Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bền vững
Thanh Huyền - 16/05/2017 11:45
 
Phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai (Ảnh: K.T)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai (Ảnh: K.T)

Sáng 16/5, tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng định hướng cho các nội dung thảo luận tại Đối thoại.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 39% dân số thế giới, 57% GDP thế giới và 49% thương mại toàn cầu.

Từ năm 2000 đến 2015, tổng kim ngạch thương mại của APEC đã tăng 2,5 lần, từ 6,4 nghìn tỷ USD lên 16,5 nghìn tỷ USD; thuế quan trung bình đã giảm hơn một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5% năm 2015.

“Đây là những con số sinh động khẳng định thành công và vai trò quan trọng của APEC trong gần 3 thập niên qua, góp phần đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo”, Chủ tịch nước đánh giá.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý, APEC chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Thế giới đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Quá trình liên kết kinh tế sâu rộng và sự thay đổi công nghệ, đặc biệt là tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, đang làm thay đổi diện mạo các ngành nghề nhanh hơn khả năng tự điều chỉnh của các nền kinh tế. Đồng thời, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và già hóa dân số đặt ra những yêu cầu mới đối với tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực.

Hướng tới năm 2020, việc đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu Bogor càng trở nên quan trọng trong bối cảnh sự hoài nghi về toàn cầu hoá và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới. Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn, Chủ tịch nước nói.

Do đó, APEC cần liên tục thích ứng với những thay đổi của thế giới và khu vực. Sự phát triển của APEC trong gần 3 thập niên qua cho thấy Diễn đàn đang không ngừng điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới. Lịch sử đã chứng minh các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998 và khủng hoảng toàn cầu 2008 - 2009 không những không khiến APEC “mất đà” mà còn làm nổi bật hơn vai trò của Diễn đàn trong việc dẫn dắt các xu thế tăng trưởng và liên kết kinh tế ở khu vực và trên thế giới.

Tiếp nối các năm APEC trước, với chủ đề “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của APEC 2017, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC đang đi đúng hướng với việc thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng trưởng chất lượng, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ, phát triển con người và nâng cao năng lực.

Trong 2 - 3 thập niên tới, APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động, khả năng chống chịu và tính trách nhiệm. APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tình trạng bất bình đẳng thu nhập, các thảm họa về thiên tai, bệnh dịch….

Chủ tịch nước đề nghị, APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt để thực sự là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo và là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, là nơi gắn kết các cơ chế hợp tác khác nhau trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu ngày càng gắn kết hiệu quả.

Không còn điểm lùi trong bối cảnh toàn cầu hóa
Ngày 2/4, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) - cơ sở pháp lý để thông qua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư