Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội: Gấp rút nghiên cứu sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng
Nguyễn Lê - 16/04/2022 15:16
 
Sẽ không có Luật xử lý nợ xấu mà cần gấp rút nghiên cứu Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Sẽ không có Luật xử lý nợ xấu mà cần gấp rút nghiên cứu Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022, sáng 16/3.

Tại đây, Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu vào chương trình của năm nay.

Nội dung này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và đồng ý bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Liên quan đến vấn đề này, xem xét toàn bộ chương trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh của hai năm 2022 - 2023, Chủ tịch Quốc hội  đề nghị Chính phủ gấp rút nghiên cứu Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, vì "chưa thấy dòng nào nói về chuyện này".

Ông Vương Đình Huệ khẳng định lại thông điệp đã được nêu khi Quốc hội cho ý kiến về gia hạn Nghị quyết số 42 là sẽ không có Luật xử lý nợ xấu, chỉ cho phép kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023.

“Sau thời điểm này nếu không sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng thì sẽ đình chỉ hiệu lực của Nghị quyết 42 và không sửa đổi bổ sung nghị quyết 42”. Nhấn mạnh như trên, Chủ tịch Quốc hội cho biết Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ vấn đề này, việc này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Kinh nghiệm quốc tế họ cũng thế. Anh em chúng tôi cũng đi khắp 4 phương trời nghiên cứu rồi chứ không phải lạ lẫm gì chuyện này. Như Công ty quản lý tài sản VAMC tồn tại ở các nước chỉ 3 đến 5 năm là dẹp, hết sứ mệnh lịch sử là thôi. Tình huống đặc biệt mới có loại đó. Chúng ta không xây dựng Luật Nợ xấu thì có nghị quyết xử lý nợ xấu, sau phải trở lại những điều kiện bình thường", Chủ tịch phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, những nội dung gì trong nghị quyết 42 đó có thể tổng kết đưa thành luật trong Luật Tổ chức tín dụng được thì  đưa vào. "Hiện nay xử lý nợ xấu có 2 hệ thống luật. Một nợ xấu thuộc phạm vi của Nghị quyết 42 thì xử lý theo Nghị quyết 42. Còn loại nợ xấu nữa không thuộc Nghị quyết 42 thì đang xử lý theo Luật Các tổ chức tín dụng và luật có liên quan. Thực tế như thế, việc này là việc thế giới người ta đã từng làm, mình đã làm và có kết quả nhưng không bao giờ được kéo dài chuyện này. Vừa rồi các đồng chí xin kéo dài Nghị quyết 42 thêm  2 năm thì Thường vụ Quốc hội đồng ý là hết 2023. Việc này cũng tùy Chính phủ, Chính phủ trình thì sẽ lấp được khoảng trống, để 2 hệ thống này chập vào với nhau, nếu Chính phủ không trình thì vui lòng thực hiện theo Luật Tổ chức tín dụng hiện hành, lúc đấy không bao giờ có chuyện Thường vụ Quốc hội trình để kéo dài gì nữa, nói rõ như thế", Chủ tịch Quốc hội tỏ rõ sự dứt khoát. 

Về dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm Y tế, được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2023, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng, nhạy cảm, nhiều vấn đề còn nhận thức khác nhau. Việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế cũng đang có những vấn đề đặt ra như chủ tịch quỹ là Bộ trưởng Tài chính, nhưng quản lý Nhà nước về lĩnh vực Bảo hiểm Y tế lại do Bộ Y tế. Vì vậy, khi thi hành luật này sẽ nảy sinh những “cọ xát về lợi ích”. Nhiều nội dung cơ quan bảo hiểm kiến nghị nhưng các bộ không nghe.

Ngoài ra, phạm vi chi của quỹ bảo hiểm y tế cũng đang có vấn đề. “Như việc Luật Khám chữa bệnh muốn đưa thực phẩm chức năng vào danh mục của Luật Dược, đưa y tế dự phòng vào Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm Y tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và cho rằng việc này trái với nguyên lý và thông lệ trên thế giới.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng những vấn đề này phải được nghiên cứu rất thấu đáo, do đó cũng đề nghị chưa bổ sung các nội dung vào chương trình làm việc nếu chưa được chuẩn bị kỹ.

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các ủy ban, Hội đồng Dân tộc, tăng cường trách nhiệm, nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung chưa đủ điều kiện, thủ tục hồ sơ dứt khoát chưa báo cáo Thường vụ Quốc hội, tránh việc “đưa ra rồi mới thấy có nhiều ý kiến khác nhau quá, phải trả đi trả lại”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn nhấn mạnh yêu cầu “không đẩy khó khăn, vướng mắc cho Quốc hội, không đẩy khó khăn từ các ủy ban, hội đồng Dân tộc lên Thường vụ Quốc hội”.

Qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ông Huệ cũng cho rằng Chính phủ có lẽ phải tăng thêm thời gian họp cho mỗi phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, bởi vì một dự án luật mà được vài chục phút thảo luận thì mới nói đến vấn đề thủ tục thôi, chưa thể đi sâu được vào những vấn đề quan trọng. Nhất là những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì Chính phủ phải thảo luận cho thấu đáo, thấu tình đạt lý rồi mới bắt đầu trình, vì thế quan trọng là phải tăng cường thời gian họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư