Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội: TP.HCM có thể sớm được thí điểm hợp tác công tư về văn hoá
 
Trong khi chưa sửa Luật PPP thì Quốc hội và Chính phủ tích cực chuẩn bị để có thể sớm cho TP.HCM thí điểm phương thức này trong lĩnh vực văn hoá.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.

Phát biểu bế mạc Hội thảo Văn hoá năm 2022, chiều muộn 17/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong khi chưa sửa Luật PPP thì Quốc hội và Chính phủ tích cực chuẩn bị để có thể sớm cho TP.HCM thí điểm phương thức này trong lĩnh vực văn hoá.

Trước đó, hợp tác công - tư (PPP) là từ khóa xuất hiện khá nhiều trong các tham luận tại Hội thảo. Bởi trong Luật PPP chưa có quy định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, trong tham luận của mình đã đề xuất Quốc hội cho phép Thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực văn hóa và thể thao theo Luật PPP.

Phiên thảo luận buổi sáng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ cũng thấy đây cũng là một quy định phù hợp và đang nghiên cứu phối hợp với các bộ, ngành và sẽ báo cáo Quốc hội. Trước mắt có thể thí điểm với TP.HCM trước để có cơ sở sửa đổi Luật PPP trong thời gian tới.

Buổi chiều, chủ đề này tiếp tục được đặt ra. Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin chi tiết hơn là, khi ban hành Luật PPP không đưa lĩnh vực văn hóa vào vì qua rà soát ở thời điểm năm 2019, thấy rằng không có dự án nào trong lĩnh vực văn hóa đang theo phương thức PPP, chỉ có một dự án hoạt động theo hình thức BT (tức là đổi đất lấy công trình hạ tầng).

"Chúng tôi đã rà soát và nhận thấy các nhà đầu tư khi đầu tư vào một dự án PPP thì họ phải thu hồi được lợi nhuận họ mới bỏ vốn ra, thì các công trình văn hóa cũng phải rà soát để đảm bảo là có thu hồi được nguồn vốn. Thứ hai là, lĩnh vực đầu tư văn hóa, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài, phải đảm bảo đây là việc đầu tư có điều kiện. Tức là phải đảm bảo tính thuần phong, mỹ tục cũng như không xung đột với giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam", ông Đông giải thích.

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, thực tiễn thay đổi liên tục nên sẽ nghiên cứu để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét có thể triển khai thí điểm mô hình đối tác PPP trong lĩnh vực văn hóa.

Phát biểu bế mạc, khi đề cập đến nguồn lực cho phát triển văn hoá thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ nêu rõ, các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất là cần tăng đầu tư trong cả khung dự toán và nguồn lực khác.

"Tôi muốn phải đạt 1,8 đến 2% tổng chi thực tế của cả nước cho lĩnh vực quan trọng này, cả Trung ương và địa phương", ông Vương Đình Huệ nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội cho lĩnh vực văn hoá.

Đồng tình với nhiều đề xuất cần sửa đổi hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong khi chưa sửa Luật PPP thì Quốc hội và Chính phủ tích cực chuẩn bị cho TP.HCM được thực hiện thí điểm phương thức này trong các dự án về văn hoá.

"Hiện TP.HCM đang có danh mục 53 dự án lớn, quan trọng về văn hoá, với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng hiện nay đầu tư công mới chỉ bố trí được 9 dự án với khoảng 3.800 tỷ thôi, còn lại phải dựa vào PPP. Trong khi chưa sửa được luật thì trong hai tuần tới đây, Đảng đoàn Quốc hội sẽ làm việc với Thành phố, cùng Chính phủ bàn để sớm cho TP.HCM thí điểm một số chính sách, trong đó có hợp tác PPP lĩnh vực văn hoá", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Hội thảo cũng thống nhất kiến nghị 7 việc cần làm ngay để khơi thông nguồn lực cho phát triển văn hóa

Trong phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội thảo đã thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.

Đầu tiên là chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện, là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Hướng tới mục tiêu cao nhất là phát triển con người Việt Nam toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các chính sách tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội đề cập là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả; chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa; chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội thảo cũng thống nhất kiến nghị 7 việc cần làm ngay.

Một là xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa tập trung vào 9 nhóm chính sách thể chế nói trên.

Hai, rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là nguồn lực lớn, qốc hội đang giám sát tối cao.

Ba, tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…

Bốn, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm ngày thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Có chính sách phù hợp cho các đơn vị sự nghiệp có khả năng cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa theo cơ chế thị trường và những đơn vị cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không có tính chất kinh doanh.

Sáu, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bảy, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.

Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, thời gian tới, tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư