Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch UBND TP.HCM: Rất nhiều người đặt câu hỏi “điều gì đang xảy ra tại TP.HCM?”
Trọng Tín - 01/04/2023 14:46
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng khó khăn lần này của Thành phố không nhỏ nhưng chắc chắn phải đứng dậy đi tiếp.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023, diễn ra vào ngày 1/4, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, tình hình kinh tế tại Thành phố đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ngày qua, dư luận cũng đặt nhiều câu hỏi về việc “điều gì đang xảy ra tại TP.HCM?”, "TP.HCM đang gặp vấn đề gì?"

a
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận việc giải quyết thủ tục hành chính trong cơ quan để dòng vốn lưu thông, để dự án được chạy là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Ảnh: Thành Nhân.

“Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, xác định, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này, tiếp tục vươn lên”, ông Mãi nói và nhìn nhận, khó khăn lần này của Thành phố không nhỏ, nhưng chắc chắn phải đứng dậy đi tiếp.

Việc giải quyết thủ tục hành chính để dòng vốn lưu thông, để Dự án được chạy là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung lên danh mục, số lượng công việc, Dự án cụ thể để giải quyết ngay trong quý tới.

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4 và quý II/2023, người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu từng sở, ngành, địa phương phải rà soát lại công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong đó, các công việc cần được rà soát, phân công, giao tiến độ cụ thể.

Trong đó, ông Mãi đặc biệt nhấn mạnh đến việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn.

Quán triệt lại quy chế phối hợp đã được UBND Thành phố ban hành trước đó, ông yêu cầu các đơn vị không chờ đợi nhau khi xin ý kiến. Trong thời gian nhất định, nếu đơn vị được xin ý kiến không phản hồi thì coi như đồng ý.

“Gần đây, một số sở phản ánh việc chưa thực hiện công việc và chờ ý kiến góp ý của cơ quan khác. Đặc biệt, thành phố có tình trạng cùng một vấn đề mà văn bản chạy ra, chạy vô các sở nhiều lần. Điều này khiến các công việc của địa phương bị tồn đọng”, ông Mãi nói và đề nghị chấm dứt việc này. Đồng thời, mỗi quý, mỗi tháng cần tổng hợp danh sách đơn vị không có ý kiến trả lời để UBND Thành phố có hình thức nhắc nhở.

"Các vấn đề tồn đọng khá nhiều và đề nghị thủ trưởng các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND cần chú ý", ông Mãi nói.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị các sở, ban quản lý dự án cần sớm tháo gỡ và để các dự án công, dự án tư được triển khai. Trong đó, các đơn vị cần lưu ý đến khó khăn của các dự án bất động sản được đề xuất tháo gỡ thời gian qua.

Doanh nghiệp cần dòng vốn dài hạn 7 - 10 năm với lãi suất dưới 10%

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết cộng đồng doanh nghiệp Thành phố hiện chia làm hai nhóm với hai tâm trạng khác nhau.

Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự để bảo đảm hoạt động, trong bối cảnh tồn kho tăng, thanh khoản giảm. Lượng vốn của nhóm này đang nằm trong hàng hóa, vật tư nguyên liệu hoặc hàng thành phẩm chưa tiêu thụ được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài bị kéo dãn thời gian thanh toán, có trường hợp bị chuyển từ mua đứt bán đoạn sang ký gửi.

Do đó, những doanh nghiệp này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ dòng vốn lưu động theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp hàng tồn kho. Đồng thời, mong muốn Thành phố đẩy mạnh đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa đến các doanh nghiệp.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp đang ấp ủ nhiều ý tưởng để đầu tư và phát triển dài hạn, tuy nhiên, với lãi suất trên 10%/năm như hiện nay thì không đơn vị nào dám vay.

“Chúng tôi cần dòng vốn dài hạn 7 - 10 năm với lãi suất dưới 10%. Song song, để có tài sản thế chấp, đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết các thủ tục pháp lý về đất đai, đồng thời các ngân hàng xem xét việc định giá đất thế chấp theo giá thị trường. Mặt khác, chúng tôi cũng đang gặp khó khi thuê đất trong khu công nghiệp trả một lần nhưng vì chủ đất trả hàng năm nên không thể thế chấp", ông Hòa nêu.

Theo ông, ngay trong tháng 4 này HUBA sẽ triển khai nhóm doanh nghiệp đầu ngành để có giải pháp, chương trình làm việc cụ thể, có hiến kế, phản biện, qua đó có thể dẫn dắt cả ngành phục hồi. Tuy nhiên, HUBA kiến nghị Thành phố hỗ trợ các chương trình xúc tiến thị trường ngách, thị trường mới.

Lành mạnh thị trường bất động sản

Đưa ra 12 giải pháp thực hiện trọng tâm cho quý II/2023, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tập trung giải quyết những nhóm việc trễ hạn của quý I, kiên quyết không để việc trễ hạn nhiệm vụ trong quý II và thời gian tới.

Trước mắt, Thành phố sẽ hoàn thiện dự thảo 3 Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ; Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố…

“Thành phố sẽ khẩn trương nghiên cứu, trình HĐND Thành phố ban hành một số chính sách đặc thù trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thông qua những công cụ tài khóa thuộc thẩm quyền thành phố”, bà Mai nói.

Trong quý II/2023, Thành phố sẽ chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 để hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5. Đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, Thành phố sẽ triển khai chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, đề xuất đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ga T3, Metro 1, dự án Rạch Xuyên Tâm, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50... và các công trình đã khởi công.

Ngoài ra, Thành phố sẽ triển khai cách làm minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; có phương án xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư.

Trong đó, Thành phố sẽ tổ chức thi tuyển ý tưởng Quy hoạch không gian xây dựng ngầm khu vực trung tâm hiện hữu thành phố và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng đề án phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các địa phương; rà soát quy hoạch đô thị dọc 2 bên tuyến đường Vành đai 3…
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Kinh tế TP.HCM giảm sâu hơn dự báo
Lường trước khó khăn, TP.HCM đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của địa phương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư