Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch VCCI: Luật hoá hộ kinh doanh sẽ giải tỏa được điểm nghẽn pháp lý quan trọng
Nguyễn Lê - 23/03/2020 12:49
 
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, việc luật hoá hộ kinh doanh sẽ giải tỏa được một điểm nghẽn pháp lý quan trọng và được xem là dấu ấn lập pháp lớn về doanh nghiệp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Sáng 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó có quy định về hộ kinh doanh.

Chính phủ cho rằng việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị tách nội dung về hộ kinh doanh để quy định thành luật riêng.

Để nguyên trạng là mâu thuẫn

Phát biểu dài nhất trong phiên thảo luận là của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Ông Lộc phân tích, trước năm 2015, Bộ luật Dân sự của Việt Nam vẫn duy trì tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, độc lập với tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, năm 2015, Quốc hội đã quyết định bỏ tư cách chủ thể của hộ gia đình và tổ hợp tác, chỉ còn duy trì tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân theo Chương VI, từ Điều 101 đến Điều 104 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, hộ gia đình và tổ hợp tác sẽ được quy về các cá nhân và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó.

Như vậy, nếu như Luật Doanh nghiệp vẫn duy trì khái niệm hộ kinh doanh thì cần phải quy về quan hệ giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh và quan hệ đại diện giữa các cá nhân đó. Việc duy trì tư cách chủ thể của hộ kinh doanh nguyên trạng như hiện nay là mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật dân sự.

Vấn đề này cần được giải quyết sớm và phải giải quyết ở cấp văn bản luật mà không thể quy định ở cấp nghị định bởi đây là sự không thống nhất giữa hai văn bản luật là Bộ luật dân sự và Luật Doanh nghiệp. Hai văn bản đều do Quốc hội ban hành nên cần phải có sự thống nhất với nhau, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI thì Luật Doanh nghiệp là luật quy định về các chủ thể kinh doanh gồm cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp tư nhân) và pháp nhân kinh doanh (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần). Do hộ kinh doanh sẽ buộc phải quy về hình thức cá nhân kinh doanh hoặc pháp nhân kinh doanh để phù hợp với Bộ luật Dân sự nên việc đưa vào Luật Doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp.

Đang có những hạn chế vô lý, bất bình đẳng

Nhấn mạnh nhu cầu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, ông Lộc nói, hiện nay, Nhà nước đã ban hành rất nhiều các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp dân doanh. Ví dụ như doanh nghiệp được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, được tư vấn pháp lý, phát triển nguồn nhân lực (theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), được tạo điều kiện tham gia góp ý chính sách (theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Do không được coi là doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hiện nay không được thụ hưởng các chính sách này.

Thêm vào đó, rất nhiều quy định pháp luật hiện nay đang hạn chế quyền thương quyền của các hộ kinh doanh. Như, hộ kinh doanh chỉ được tuyển dụng không quá 10 lao động, chỉ được hoạt động tại một địa điểm. Một số quy định pháp luật khác cũng chỉ cho phép các doanh nghiêp thực hiện các hoạt động kinh doanh, như pháp luật về xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của nhiều lĩnh vực không cấp cho hộ kinh doanh…

"Đây là những hạn chế vô lý, bất bình đẳng với hộ kinh doanh khiến cho hộ kinh doanh khó phát triển", Chủ tịch VCCI nhận xét.

Những phân tích sau đó từ ông Lộc còn cho thấy, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp sẽ phù hợp với pháp luật về thuế và không tạo ra biến động về thuế đối với các hộ kinh doanh này. Mặt khác, pháp luật về doanh nghiệp của các nước trên thế giới không có quy định riêng về hộ kinh doanh mà chỉ xác định chủ thể kinh doanh dưới hình thức cá nhân hoặc pháp nhân, mà hộ kinh doanh thông qua vai trò của cá nhân chủ hộ là một đối tượng điều chỉnh. Nếu Việt Nam chủ trương xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh thì sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đạo luật về vấn đề này, ông Lộc nhấn mạnh.

Sau những phân tích trên, Chủ tịch VCCI kiến nghị, việc đưa chế định về hộ kinh doanh, thực chất là một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền kinh tế, vào Luật Doanh nghiệp với những điều chỉnh như đề xuất ở trên là phương án phù hợp nhất và có thể làm ngay trong kỳ họp tới đây để vừa tạo sự thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh được phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả.

Chủ tịch VCCI: Hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính phải khẩn trương như chống dịch
Trong khuyến nghị 12 điểm mà ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) muốn gửi tới Chính phủ khi trao đổi về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư