Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Lợi thế về thuế quan từ EVFTA sẽ kéo khách hàng EU tới Việt Nam
Thế Hải - 27/08/2021 15:38
 
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, lợi thế về thuế quan trong EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng thu hút các khách hàng EU quay trở lại với Việt Nam sau dịch bệnh.
-	Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam
Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cao hơn nhiều các FTA khác

Cùng với lộ trình cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi hóa thương mại trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), những lợi thế này được cho là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU quay trở lại Việt Nam sau dịch bệnh.

EVFTA  đi vào thực thi trong gần 400 ngày qua đã mang đến cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU, ông Lộc nhấn mạnh kết quả này tại Hội thảo trực tuyến: "Hành trình 01 năm Hiệp định EVFTA - Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo" do VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng 27/8.

Kể từ khi có hiệu lực từ 1/8/2020, EVFTA đã cho thấy những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế giữa hai bên và cho sự tăng trưởng của Việt Nam, nhất là thương mại song phương.

Ông Lộc cho biết: "7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm tổng cộng là âm 5,9% so với cùng kỳ 2019, cùng mức sụt giảm nhu cầu ở EU trong các giai đoạn đóng cửa kinh tế do dịch bệnh. Nhưng tình thế hoàn toàn thay đổi trong 5 tháng cuối năm 2020, dưới tác động của EVFTA, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3,8%".

Số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng 2021, xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị…là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam tăng 4.3% (cao hơn mức 3,7% tăng trưởng nhập khẩu từ tất cả các nguồn) thì 7 tháng qua, Việt Nam nhập từ EU 9,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. 

Ý nghĩa nhất là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA cao nhất trong số cấc FTA mà Việt Nam tham gia.

Ông Lộc dẫn chứng, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14,8% (quan sát của VCCI cho thấy tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp 7 lần AIFTA, gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu).

Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29% với hàng xuất khẩu nửa đầu năm 2021 lên đến 29,09%. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: Sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD tăng 3,73; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD tăng 33,75%; rau quả đạt 63,8 triệu USD tăng 12,5%.

"Ngoài Việt Nam, EU hiện mới có FTA với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào với Việt Nam. Nếu xuất khẩu sang EU thông qua EVFTA có thể giữ được nhờ lợi thế giá, đặc biệt trong lĩnh vực nông thủy sản, tiềm năng lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch, thu hút người lao động trở lại cũng như thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu", ông Lộc kỳ vọng.

Thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực nhờ cú hích EVFTA, nhưng việc thực thi FTA thế hệ mới với khu vực thị trường có nền kinh tế phát triển cao như EU đang đặt ra cho Việt Nam những khó khăn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh.

Cụ thể, dịch bệnh đang khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu lao động, đến phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách, từ việc thiếu hụt nguồn đầu vào đến việc không thể giải phóng nguồn đầu ra do ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh.

Ở các khu vực tâm dịch, đa số các doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng được các điều kiện để tiếp tục sản xuất.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ đầu vào và sản xuất gặp rủi ro, đầu ra cũng cực kỳ phức tạp khi đơn hàng không thể xuất theo kế hoạch, vận tải đường bộ chậm trễ do các thủ tục kiểm soát dịch bệnh, cảng xuất ách tắc do không thể vận hành bình thường, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn biến nghiêm trọng và chi phí logistics tăng phi mã

Các chuyên gia lo ngại, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những hệ lụy chưa thể lường hết được trong tương lai, khi dịch đã đi qua, liên quan đến đơn hàng, lo ngại khách hàng chuyển sang mua hàng từ các nước khác, lo thiếu nguồn cung nguyên liệu trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư