Thứ Tư, Ngày 19 tháng 03 năm 2025,
Chủ tịch VietinBank: Nợ xấu là vấn đề phức tạp
Hàn Tín - 30/05/2013 13:47
 
Tham gia thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, ông Phạm Huy Hùng cho biết, nhiều ngân hàng đang thực hiện giao khoán chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng chi nhánh.
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Vietinbank, Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng

Ông Hùng cho biết, từ năm 2011 đến nay, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm, lãi suất huy động VND giảm từ 4 - 4,5%/năm; lãi suất cho vay VND giảm từ 7 - 11%/năm đã đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn năm 2007.

“Quyết tâm của Thống đốc trong điều hành là mỗi quý giảm 1% lãi suất đã được thực hiện. Gần đây, ngân hàng giảm thêm 1% đối với các mức lãi suất điều hành, tập trung vốn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên trong khi vẫn duy trì mức lãi suất huy động 7,5%/năm đạt mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền”, ông Hùng thông tin thêm.

Theo Chủ tịch Vietinbank, các ngân hàng thương mại nỗ lực tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay đối với khách hàng có dự án kinh doanh khả thi, nhưng tín dụng vẫn không tăng được. Hiện tại, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay chỉ vào khoảng 1,5 - 1,8% - mức thấp nhất từ trước đến nay. Lãi suất ngân hàng không còn là rào cản tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp.

Về tăng trưởng tín dụng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp với chức năng đi vay để cho vay, không cho vay được, trong khi nguồn vốn huy động vẫn tăng dẫn đến ngân hàng thừa tiền phải tìm cách đẩy vốn ra.

Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện giao khoán chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng chi nhánh. Các chi nhánh phải chủ động tìm kiếm khách hàng tốt để tập trung cho vay với với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động.

Những doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt, nhưng phải hoạt động cầm chừng, nhu cầu vay thấp. Một bộ phận doanh nghiệp khác có nhu cầu vay vốn thì không có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, tiềm ẩn rủi ro cao, vốn cho vay ra không có khả năng thu hồi, nếu ngân hàng cho vay thì trong tương lai gần sẽ làm nợ xấu gia tăng trở lại.

Như vậy, khó khăn hiện nay, vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế thấp, hàng hóa tồn kho lớn, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, cầu có khả năng thanh toán vẫn chưa được cải thiện. Giải quyết vấn đề này cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và khôi phục niềm tin của thị trường.

Phát biểu về nợ xấu, ông Phạm Huy Hùng khẳng định, thực chất nợ xấu của nền kinh tế là do doanh nghiệp vay vốn không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng.

“Từ đầu năm 2012 đến nay, các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 đã giảm được trên 270.000 tỷ đồng nợ xấu; sử dụng nguồn dự phòng rủi ro, các ngân hàng thương mại đã xử lý được 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, hệ thống ngân hàng đã xử lý được trên 330.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến không thuận lợi thì nợ xấu sẽ tăng trở lại và gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế”, ông Hùng cho biết.

Tiếp tục các vấn đề liên quan đến nợ xấu, ông Hùng cho biết, thời gian qua nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lãi, thậm chí miễn lãi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không trả được nợ gốc.

“Xử lý nợ xấu là vấn đề rất phức tạp, vì vậy cần có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và xã hội”, ông Phạm Huy Hùng kết luận.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư