Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
“Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”
Nguyễn Đình Bích - 09/11/2013 08:05
 
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Song cho tới thời điểm này, dường như lời dạy chí lý đó của Bác vẫn còn chưa thấm vào công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp. >>> Nông nghiệp: bức tranh huy hoàng đang thêm mảng tối >>> Thị trường nông sản: Lợi thế và thất thế

Chủ trương một…

Trước hết, có thể khẳng định rằng, quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp là duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu như Chính phủ đã khẳng định là hết sức đúng đắn.

Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Ảnh: Lê Toàn

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chỉ có hướng vào nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước để đáp ứng bằng cách tăng năng suất, chất lượng thì mới có thể đạt mục tiêu tái cơ cấu mà chúng ta hướng tới là nâng cao hiệu quả, tăng giá trị gia tăng để duy trì tăng trưởng của nông nghiệp.

Nói một cách đơn giản, thay vì sản xuất những thứ chúng ta có thể làm để bán rẻ ra thị trường như lâu nay, thì tái cơ cấu nông nghiệp có nghĩa là phải chuyển sang sản xuất và bán được giá những thứ thị trường cần mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh.

Thế nhưng, muốn thực hiện được điều đó, Việt Nam sẽ phải vượt qua hai thách thức cực kỳ lớn trong tái cơ cấu nông nghiệp những năm tới.

Đó là:

Thứ nhất, phải đoán định được xu thế biến đổi của thị trường, đánh giá đúng khả năng cạnh tranh thì mới có thể định hướng tổ chức sản xuất phù hợp. Điều đó có nghĩa là, phải dự báo chính xác triển vọng phát triển rất khó lường của thị trường. Đây chính là cửa ải đầu tiên.

Thế nhưng, thực tế xuất khẩu gạo những năm qua lại cho thấy, việc liên tục “lỡ nhịp” là bằng chứng sống về sự bất cập trong công tác này.

Thứ hai, phải thay đổi cả hệ thống tổ chức sản xuất cùng hệ thống phân phối hiện hành.

Việc khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng lớn, nhưng là những món hàng “tạp pí lù”, không kiểm soát được dư lượng hoá chất, không truy xuất được nguồn gốc, vì vậy vẫn chỉ là “khán giả” ở những thị trường coi trọng chất lượng, chấp nhận giá mua cao, đủ nói lên tất cả.

Do vậy, trên quy mô tổng thể nền kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp không thể theo kiểu phong trào, mà cần phải đặt dưới sự chỉ huy chung của một “nhạc trưởng”.

Theo đó, tái cấu trúc nông nghiệp phải đồng thời tiến hành theo ba hướng. Đó là, tiếp tục phát triển sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Và ngược lại, thu hẹp, thậm chí xoá bỏ những mặt hàng không có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản để tăng giá trị gia tăng và tái cơ cấu hệ thống phân phối.

Để thực hiện được điều đó, hàng loạt vấn đề đang đặt ra cần được giải quyết một cách thấu đáo để định hướng phát triển phù hợp cho ngành nông nghiệp trong những năm tới.

Đơn cử, đối với cây hồ tiêu (hiện đạt được năng suất gấp gần 4 lần năng suất thế giới), tuy có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối, nhưng khi thị phần trên thị trường thế giới hiện lên tới hơn 37%, lớn hơn tổng thị phần của cả 4 quốc gia đứng sau gộp lại mà chúng ta đã lần lượt “qua mặt” để giành vị trí cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới từ hơn một thập kỷ qua, câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục mở rộng diện tích và tăng sản lượng, hay chỉ phát triển theo hướng nâng chất lượng để tăng giá trị gia tăng?

Rõ ràng, chúng ta chỉ có được phương án thích hợp khi có những nghiên cứu đủ tin cậy về triển vọng cung - cầu và giá thế giới.

Ngược lại, với cây bông mà năng suất hiện chỉ bằng 61% năng suất bình quân của thế giới, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến có phải là cứu cánh giúp thực hiện “giấc mơ” chuỗi giá trị khép kín từ trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm và may xuất khẩu từ cách đây đã 4 thập kỷ hay không? Hay Việt Nam dứt khoát từ bỏ loại cây công nghiệp từng đứng đầu bảng này, chấp nhận mỗi năm tiếp tục bỏ ra gần một tỷ USD để nhập khẩu bông?

Có lẽ, chỉ khi nào có đầy đủ đánh giá xác thực với từng loại nông sản, chí ít là tất cả nông sản quan trọng, thì Việt Nam mới có thể có được một kịch bản tái cơ cấu đủ tin cậy cho cả khu vực kinh tế cực kỳ quan trọng này trong chặng đường phát triển mới.

Biện pháp… một và quyết tâm… nửa vời?

Cho dù rất quan trọng và cũng rất khó như vậy, nhưng đó cũng chỉ là khâu xây dựng kịch bản, còn thành công hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào việc thực hiện kịch bản này như thế nào.

Thực tiễn đời sống kinh tế cho đến thời điểm này cho thấy, cho dù lượng hàng nông sản mà Việt Nam đẩy ra thị trường hằng năm là khổng lồ, nhưng đó chủ yếu là thành quả lao động của trên 12,6 triệu hộ gia đình “mạnh ai nấy làm” theo tập quán cổ truyền và kinh nghiệm cá nhân, chứ không theo một quy trình sản xuất nhất định nào.

Không những vậy, đối diện với họ ở cả đầu vào và đầu ra cũng là tầng tầng, lớp lớp các tổ chức kinh doanh dưới hình thức các doanh nghiệp, đại lý các cấp cũng “mạnh ai nấy làm” với mục tiêu không có gì khác ngoài tối đa hoá lợi nhuận. Chính vì vậy, vấn đề mấu chốt đặt ra trong tái cơ cấu nền nông nghiệp những năm tới là tổ chức xây dựng các vùng nguyên liệu, hay xây dựng các chuỗi giá trị hợp lý.

Tuy vậy, tiến trình tái cơ cấu chỉ có thể coi là hợp lý khi các chuỗi này được hình thành trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra với các hộ nông dân. Đó còn có thể là sự liên kết tay ba giữa doanh nghiệp cung ứng đầu vào, các hộ nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ, còn các chủ thể kinh doanh khác chỉ tham gia với tư cách của đơn vị thực hiện những dịch vụ nhất định cho các chủ thể kinh doanh chủ yếu.

Chỉ khi hình thành được những chuỗi giá trị như vậy với quy mô đủ lớn, trong đó sản xuất được thực hiện theo quy trình kỹ thuật tiến bộ, thì nông sản mới thoát khỏi tình trạng “vô danh” từ nhiều thập kỷ nay. Cũng chỉ có như vậy thì lợi nhuận mới có thể tập trung phân bổ cho các chủ thể kinh doanh chính yếu.

Thế nhưng, trong khi công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp đã bước vào giai đoạn thực hiện - tức là việc xây dựng các chuỗi giá trị cần được triển khai đồng loạt ở hàng loạt mặt hàng nông sản - thì đến nay, các cơ quan hữu trách cũng chỉ mới “trình làng” được duy nhất bản quy hoạch thương nhân kinh doanh gạo, và cũng chỉ riêng thương nhân xuất khẩu.

Không những vậy, với bản quy hoạch này, biện pháp thực hiện vẫn chỉ là một mệnh lệnh hành chính “suông”, không có bất cứ chính sách kèm theo. Hơn thế, cũng với bản quy hoạch này, quyết tâm thực hiện các chuỗi giá trị, có lẽ vẫn còn rất nửa vời.

Nhận định như vậy là bởi với quy định “ưu tiên cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa”, đương nhiên, các nhà quản lý sẽ ưu tiên cả những thương nhân bỏ không ít công sức và tiền bạc để xây dựng các vùng nguyên liệu lẫn những thương nhân tuy “hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân” một cách chung chung, nhưng vẫn có thể vin vào “một nghìn lẻ một” lý do để “né” thực hiện.

Liệu tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam - với bản chất là một cuộc chuyển biến cách mạng thực sự - có thành công một cách dễ dàng? Có lẽ, câu trả lời đã khá rõ.

Đón đọc bài cuối: Tạo đột phá phải bắt đầu từ thể chế

Thị trường nông sản: Lợi thế và thất thế
Điều kiện tiên quyết để tái cơ cấu thành công là “bắt mạch” chính xác những thị trường mà nông sản Việt Nam chiếm lợi thế. ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư