Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Chưa bao giờ tiền đầu tư phát triển thấp như hiện nay
Quang Hà - 22/10/2014 10:58
 
() Thảo luận ở tổ (ngày 21/10), tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lo ngại, chưa bao giờ tiền dành cho đầu tư phát triển lại ở mức thấp như hiện nay, chỉ ở mức khoảng 17% tổng chi ngân sách.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Không nóng vội, nhưng không được trì trệ
Thúc đẩy mạnh hơn tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế
Cần làm rõ bức tranh đời sống của nhân dân
  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh  
  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh  

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, "Quốc hội mong muốn đến năm 2020 làm sao để quay lại cơ cấu tốt. Tuy nhiên, chi thường xuyên hiện lên tới 70%, phần còn lại chi đầu tư phát triển, chi trả nợ. Vậy là rất gay go”.

Năm 2014, Trung ương chỉ có 47.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải chi cho 2 ngân hàng, cân đối ngân sách cho Bộ Giao thông - Vận tải năm 2014 chỉ có 2.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu của bộ này cần ít nhất 20.000 tỷ cho khoản đối ứng. Mặt khác, Luật Ngân sách nhà nước quy định bội chi chỉ để dành đầu tư phát triển, nhưng trong số 226.000 tỷ bội chi của năm 2015, chỉ có 195.000 tỷ được bố trí cho lĩnh vực này.

Đáng ngại hơn, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam đang vi phạm nhiều nguyên tắc căn bản của kinh tế trong chi ngân sách.

Thứ nhất là tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

Thứ hai là tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách. Dẫu biết chi an sinh xã hội là nhu cầu bức xúc, quan trọng của mọi quốc gia, nhưng tốc độ tăng chi khoản này phải thấp hơn mức tăng thu.

Thứ ba, tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển, trong khi lẽ ra phải ngược lại. Nhiều chính sách ra đời không thực hiện được chỉ vì không có tiền.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, Việt Nam cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới; Phải thực hiện tốt 3 đột phá đã được đề ra: thể chế kinh tế; cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực. Những việc này không chỉ làm trong năm 2015 mà phải làm thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong thời gian dài.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ước tính thu ngân sách nhà nước cả năm đạt 846.400 tỷ đồng, vượt 10,6% so dự toán, tăng 12,3% so với mức thực hiện năm 2013.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện đến tháng 9/2014 bằng 81,3% dự toán, trong đó thu nội địa bằng 79,4% dự toán, thu từ dầu thô bằng 93,6% dự toán, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập bằng 81,2% dự toán.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản vẫn tăng, một số ngành hàng sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu…; hoạt động của các ngân hàng còn khó khăn do tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến thu nộp ngân sách.

Xem dự toán  thu chi ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2014 tại đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư