Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Chưa thấy xung lực mới cho nền kinh tế
Nguyên Đức - 02/05/2013 06:23
 
Tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng năm nay tiếp tục thấp hơn so với tốc độ tăng của 4 tháng năm ngoái (5,9%). Điều này một lần nữa cho thấy, khó khăn và sự trì trệ trong sản xuất - kinh doanh vẫn tiếp tục.
TIN LIÊN QUAN
Chỉ số IIP tháng 4/2013 chỉ tăng 1,6% so với tháng 3, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 4 tháng, tăng 5% so với 4 tháng năm ngoái.

Cụ thể, chỉ số IIP tháng 4/2013 chỉ tăng 1,6% so với tháng 3, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 4 tháng, tăng 5% so với 4 tháng năm ngoái.

“Kinh tế 4 tháng đầu năm tuy có xu thế tiếp tục tốt lên, nhưng chuyển biến còn chậm. Chưa thấy có xung lực mới cho nền kinh tế”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói như vậy tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2013.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm cũng cho thấy, năm nay, kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn.

Bằng chứng là 4 tháng đầu năm, có tới 19.600 doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng sản xuất; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, sau khi trừ yếu tố giá cả, chỉ tăng 4,6% - một mức tăng quá thấp, cho thấy sức mua và tổng cầu của nền kinh tế vẫn đang sụt giảm nghiêm trọng, tác động mạnh tới đầu ra và sản xuất - kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp.

Trong khi đó, chuyện nhập siêu quay trở lại, với tổng mức nhập siêu là 722 triệu USD, mặc dù một mặt cho thấy xu hướng nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất - kinh doanh đã có dấu hiệu tích cực hơn, song mặt khác, cũng cảnh báo những áp lực tới cán cân thanh toán và tỷ giá ngoại hối trong thời gian tới.

Ở một khía cạnh khác, khi bàn về kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết?Sinh cho rằng, việc dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến ngày 18/4 chỉ tăng 1,44% cũng sẽ gây áp lực cho nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm.

“Chỉ số tăng trưởng tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng trong tháo gỡ khó khăn, bế tắc cho sản xuất - kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng phải tăng lên 10% trong năm nay thì mới có sức đẩy cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Sinh nói.

Khó khăn của nền kinh tế là điều đã được nhìn thấy rõ. Thậm chí, đã có quan điểm cho rằng, với tình hình hiện nay, tăng trưởng GDP năm nay có thể chỉ đạt khoảng 5%, thay vì mục tiêu 5,5%. Tuy nhiên, những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường, mà Chính phủ đã ban hành tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, cho tới nay vẫn rất chậm được triển khai.

“Mới chỉ có các hướng dẫn về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, còn các biện pháp khác, vẫn chưa được triển khai trong thực tế. Chỉ nói riêng về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để người có thu nhập thấp được mua, thuê nhà ở xã hội, thì tới nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận.

Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều quan điểm cho rằng, phải đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.

“Lạm phát đang ở mức thấp, cũng cần phải tiếp tục hạ lãi suất để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp”, Thứ trưởng Sinh phát biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư