Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán rung lắc trong phiên 5/12, khối ngoại bán ròng 1.600 tỷ đồng
Tùng Linh - 05/12/2023 18:28
 
Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu vấp phải áp lực điều chỉnh trong phiên 5/12. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại hôm nay là HPG, chứng chỉ quỹ FUESSVFL, VHM, VCB,...

VN-Index điều chỉnh

Tiếp đà hưng phấn từ hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa tiếp tục có những diễn biến tích cực. Nhiều cổ phiếu vẫn duy trì được đà tăng tốt. Tuy nhiên, áp lực bán ngay sau đó dâng cao đã khiến đà tăng của thị trường chung bị suy yếu. Sau khoảng nửa thời gian của phiên sáng, lực cầu giá cao yếu dần trong khi lực cung lại vượt trội cùng với đó là việc khối ngoại giao dịch tiêu cực khiến thị trường chung đảo chiều. VN-Index và VN30-Index đều đóng cửa phiên sáng trong sắc đỏ.

Phiên giao dịch chiều diễn ra cũng không có quá nhiều điểm tích cực. Điểm nhấn chú ý chỉ là một số các đợt hồi phục nhưng đều bất thành. VN-Index vẫn giao dịch giằng co quanh mốc trung bình 200 ngày (MA200) nằm tại 1.117 điểm. Sự điều chỉnh diễn ra khá đồng đều ở các nhóm ngành tuy nhiên, áp lực bán không quá mạnh nên nhìn chung đà giảm của các nhóm ngành là không quá mạnh.

Khép lại phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,52 điểm (-0,40%), xuống 1.115,97 điểm. Trong khi đó, chỉ số hai sàn vẫn đóng cửa trong sắc xanh. HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,01%), lên 231,34 điểm. UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,07%), lên 86,02 điểm.

Nhóm cổ phiếu tâm điểm thời gian qua là thép, chứng khoán và bất động sản đều ghi nhận rung lắc nhưng không quá mạnh. Ở nhóm thép, HSG gây chú ý khi vẫn duy trì được đà tăng giá với 0,2% lên 22.300 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, NKG giảm 1,3% và HPG giảm 0,9%. HPG giảm giá nhẹ bất chấp việc khối ngoại bán ròng khoảng 6,9 triệu cổ phiếu. Thị trường thép trong nước ngày 5/12 khá ổn định. Trong khi đó, giá thép trên sàn giao dịch Thượng Hải ghi nhận mức giảm xuống 3.929 nhân dân tệ/tấn. Theo Reuters, giá quặng sắt kỳ hạn giảm vào hôm thứ Hai (4/12) do lo ngại kéo dài về sự can thiệp sâu hơn của chính phủ Trung Quốc và dự đoán nhu cầu giảm trong bối cảnh hạn chế sản xuất ở các khu vực phía Bắc làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư

Ở nhóm chứng khoán, sau phiên đồng loạt tăng mạnh hôm qua, sự điều chỉnh cũng đã diễn ra. SSI giảm 0,9%, HCM giảm 0,8%, FTS giảm 0,7%. Đối với nhóm bất động sản, LDG gây chú ý khi được “giải cứu” ngay ở phiên sáng, tuy nhiên, áp lực bán vẫn còn mạnh khiến cổ phiếu này kết phiên trong sắc đỏ với mức giảm 2,5% về còn 3.130 đồng/cp khối lượng khớp lệnh gần 38 triệu đơn vị, tương đương gần 6,8% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Các mã có thanh khoản tốt như TCH, NLG, HQC, KDJ, PDR… đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm từ 1 – 2%.

Hai nhóm cổ phiếu đi ngược lại xu hướng thị trường ở phiên hôm nay là bất động sản khu công nghiệp và dầu khí. BCM là tâm điểm khi được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh 1,2 triệu đơn vị. Diễn biến tích cực của BCM có thể đến từ Becamex IDC đã được UBND tỉnh Bình Dương cho phép chuyển nhượng dự án Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị Bình Dương quy mô 18,9 ha cho đối tác Capital Land. Thương vụ sẽ hoàn thành trước 30/12 năm nay, giúp đem lại hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận cho Becamex IDC.

Bên cạnh đó, sau phiên tăng trần hôm qua, ITA tiếp tục ghi nhận mức tăng 4,4%. Hay trường hợp của DTD cũng tăng 5%.

Tại nhóm dầu khí, sự tích cực cũng diễn ra khi PVC tăng 4,6%, PVB tăng 2,2%, PVS tăng 1,8%... đà tăng của nhóm dầu khí đi ngược lại diễn biến có phần tiêu cực của giá dầu. Giá dầu thế giới đã giảm từ đầu tuần do lo ngại về nhu cầu giảm và sự không chắn chắn về mức độ và thời gian cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+.

Khối ngoại rút ròng trên diện rộng, thu về tới 1.600 tỷ đồng

Về các cổ phiếu tác động mạnh nhất tới VN-Index, BCM là mã đứng đầu danh sách tích cực với mức điểm đóng góp là 1,05. Tiếp sau đó là FPT và REE. Trong khi đó, VHM biến động tiêu cực khi giảm 1,9% xuống 40.500 đồng/cổ phiếu và lấy đi của VN-Index 0,86 điểm.

Các cổ phiếu tác động mạnh nhất tới VN-Index. Nguồn: FireAnt.

Thanh khoản thị trường giảm khoảng 27% so với phiên trước và đạt gần 19.900 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 17.093 tỷ đồng, giảm 29%. Giá trị giao dịch thỏa thuận riêng sàn HoSE đạt 1.582 tỷ đồng.  

Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tiêu cực và là nhân tố chính ảnh hưởng xấu đến thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư. Dòng vốn này đẩy mạnh bán ròng đến 1.600 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây cũng là phiên bán ròng mạnh nhất của dòng vốn này kể từ tháng 1/2023. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh có HPG (188 tỷ đồng), Chứng chỉ quỹ FUESSVFL (174 tỷ đồng), VHM (172 tỷ đồng), VCB (104 tỷ đồng), VNM (92 tỷ đồng)… Trong khi đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất các mã như KBC (11,6 tỷ đồng), VGC (7 tỷ đồng)…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư