Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chuyển đổi số để phát triển du lịch
Hồng Hạnh - 05/10/2020 13:29
 
Chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư siêu tiết kiệm, có thể giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá hậu Covid-19.
.
Ngành du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số.

Covid-19 đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Covid-19 có thể làm giảm 1 tỷ khách du lịch quốc tế, tổn thất lên tới 1.000 tỷ USD. Với nước ta, theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm nay, khách quốc tế giảm ít nhất 70%, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 65%, doanh thu giảm 61% so với 2019.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên 95% doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng, khoảng 20 - 30% doanh nghiệp du lịch có nguy cơ phá sản.

Sự tàn phá của Covid-19 cho thấy, nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng chống lại dịch và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. “Các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ; đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách”, ông Bình nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời Covid-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với Báo Vnexpress thực hiện mới đây cho thấy, 40% khách du lịch đặt tour trực tiếp, 36% đặt tour qua nền tảng trực tuyến. Do đó, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB nhận định: “Bản thân doanh nghiệp phải tự chuyển đổi hình thực tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số”.

Còn ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trên thế giới, ngành du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Theo dự đoán, chuyển đổi số sẽ tạo ra 305 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2025 và tạo ra lợi ích 700 tỷ USD cho khách du lịch và xã hội thông qua việc giảm tác động đến môi trường, cải thiện an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư siêu tiết kiệm.

Xoay trục sản phẩm

Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số không phải là cái gì “đao to, búa lớn”. Theo ông Tuấn Hà, Giám đốc Công ty Vinalink, một số CEO chia sẻ doanh nghiệp lữ hành của họ vẫn vượt qua khó khăn nhờ xoay trục sản phẩm và biết cách sử dụng dữ liệu khách hàng.

Ông Tuấn Hà cho biết, chuyển đổi số trong ngành du lịch không hẳn là giải pháp hoành tráng như big data, blockchain, AI..., mà nhiều khi chỉ đơn giản là giữ được quan hệ với khách hàng thông qua những ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn, chương trình khuyến mãi đặc biệt... Nhờ cách làm này, voucher giảm giá tại một số resort vẫn bán chạy, một số tour nội địa vẫn thành công, các tour nghỉ dưỡng cuối tuần vẫn kín khách, khó đặt...

Theo bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam - Lào và Campuchia của Google, một khảo sát cuối tháng 8 cho biết, người Việt Nam lạc quan nhất so với xu hướng du lịch ở khu vực Đông Nam Á (24%). Trong bối cảnh du lịch hạn chế, người Việt tìm đến những điểm du lịch online với các video trực tuyến khơi nguồn cảm hứng du lịch của họ. Người Việt coi uy tín của công ty du lịch là yếu tố quan trọng hàng đầu, giá cả là thứ yếu. Vì vậy, các công ty du lịch cần triển khai các chương trình thúc đẩy, làm chuyến đi của du khách hoàn hảo nhất, phù hợp cho mọi đối tượng, trong đó có các hình thức chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới để tối ưu trải nghiệm.

Liên quan vấn đề chuyển đổi số để phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ đang yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, sớm hoàn thiện các tính năng, đưa ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” trở thành công cụ hữu ích đối với du khách trong việc khuyến cáo điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch; đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2, từng bước mở cửa du lịch quốc tế.

"Dòng chảy tinh hoa" và nỗ lực phục hồi du lịch Việt Nam
"Diễn đàn liên kết triển khai Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Hà Nội và TP.HCM" với chủ đề "Dòng chảy tinh hoa" dự kiến diễn ra vào ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư