Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Chuyển đổi số là cơ hội để nền kinh tế bứt phá
Mạnh Bôn - 01/11/2024 14:55
 
Một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ đặt ra cho năm 2025 là, thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững, hiệu quả.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không phải là thách thức, mà là cơ hội, doanh nghiệp không chuyển đổi là tự sát”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Thưa Giáo sư, vai trò của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã được khẳng định không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp, mà với cả nền kinh tế và toàn xã hội?

Trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, nếu doanh nghiệp không coi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo (AI) là cơ hội để chuyển mình, thì chắc chắn sẽ bị đào thải. Tôi xin nhấn mạnh, tất cả doanh nghiệp, cả doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ, đều phải coi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là cơ hội chứ không phải thách thức.

Rộng hơn, nếu Chính phủ không nhanh chóng chuyển đổi sang chính phủ số, cả xã hội không chuyển đổi sang xã hội số, sẽ bị tụt lại phía sau. Ý thức được điều đó, báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, AI, kinh tế số, chính phủ số, đổi mới sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Để thực hiện được điều đó, Chính phủ cần phải làm rất nhiều việc, trong đó, đầu tiên là hoàn thiện thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm cho doanh nghiệp chuyển đổi số, thực hiện xã hội số, chính phủ số. Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Đây là câu chuyện rất lớn đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ ra. Trong nền kinh tế tri thức, nếu không có hệ thống thể chế, chính sách, luật pháp hoàn chỉnh làm cơ sở để tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, thì khó thúc đẩy chuyển đổi số thành công.

Trong nền kinh tế số, kinh tế tri thức, hệ thống luật pháp đồng bộ chưa đủ, mà còn phải tạo ra hệ sinh thái cho chuyển đối số, đặc biệt là sự kết nối giữa doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, rộng hơn là sự kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp nội để hình thành các thương hiệu Việt.

Hiện tại, Việt Nam đã có những thương hiệu mạnh không chỉ trong khu vực, mà đã vươn ra tầm thế giới như Viettel, FPT, Vingroup, Petro Vietnam... Thành công của họ cũng chính là mạnh dạn đầu tư vào chuyển đổi số?

Thời gian qua, doanh nghiệp trong nước đã có sự chuyển mình đáng ghi nhận. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 300 tỷ USD, thì kinh tế trong nước chiếm gần 28%, tăng 20,7%, trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) chỉ tăng 13,4%.

Thành công của các doanh nghiệp lớn nêu trên đã chứng minh, Việt Nam hoàn toàn có thể thành công trong tạo ra các doanh nghiệp mạnh, các tập đoàn đa quốc gia. Cần lấy kinh nghiệm, mô hình thành công của Viettel, FPT, Vingroup, Petro Vietnam... tạo ra nhiều hơn các thương hiệu mạnh, cạnh tranh ngang tầm với các tập đoàn lớn trên thế giới và làm chủ, dẫn dắt thị trường nội địa.

Trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu gia tăng, hoạt động quản trị của doanh nghiệp nội địa đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số hiệu quả, thì sẽ mất lợi thế, cũng như mất thị trường ngay trên sân nhà.

Đại học Tufts (Hoa Kỳ) nhận định, Việt Nam đang đứng thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới, đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa. Đó là một thông tin đáng mừng, nhưng thưa Giáo sư, thách thức phía trước vẫn còn nhiều?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây… Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển.

Vì vậy, nhiệm vụ trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ tiếp theo là phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; xây dựng các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chip bán dẫn, AI, điện toán đám mây, Internet vạn vật…

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việt Nam đã sẵn sàng cho chuyển đổi số với mục tiêu là năm 2025 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, trước mắt là tập trung đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao.

Như vậy, Việt Nam đang chủ động nắm bắt cơ hội để chuyển đổi số thành công?

Nghị quyết 52-NQ/TW (ngày 27/9/2019) của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đưa ra mục tiêu tổng quát là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cách mạng 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

Chúng ta có cơ hội rất lớn, nhưng tôi cũng phải nói lại, nếu doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương không chuyển đổi mạnh mẽ tư duy phát triển theo mô hình mới, mà cứ cạnh tranh thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước không lành mạnh, thì chỉ địa phương được hưởng phần ngọn, còn cả nền kinh tế bị thiệt hại, thì chúng ta đã lãng phí cơ hội, phung phí lợi thế.

Việt Nam trong xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, hướng tới phát triển bền vững.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư