Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chuyển đổi số với ngành y tế
Hà Vũ - 27/02/2020 08:18
 
Dù mới trong giai đoạn thí điểm, nhưng Trung tâm Điều hành y tế (thuộc Sở Y tế TP.HCM) có tác động lớn đến công cuộc chuyển đổi số trong ngành y tế của Thành phố trong thời gian tới.
.
.

Số hoá dữ liệu, điều phối thông minh

TP.HCM vừa chính thức thí điểm mô hình Trung tâm Điều hành y tế. Nhiệm vụ đầu tiên trung tâm này là cập nhật tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo  đó, hệ thống cập nhật thường xuyên và hiển thị tình trạng theo dõi của các bệnh nhân trên toàn Thành phố và thu thập dữ liệu về các bệnh nhân mới.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc theo dõi vị trí, quãng đường di chuyển của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được thực hiện một cách chặt chẽ. Bên cạnh đó, hệ thống Telemedicine giúp Sở có thể trao đổi với chuyên gia y tế tại các quốc gia khác để có thể đưa ra những cảnh báo, hay lên phương án ứng phó với những tình huống khác nhau.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, để có thể dự báo cần làm hai việc cơ bản là chuyển các dữ liệu hiện có thành dữ liệu số, hay còn gọi là dữ liệu lớn cho ngành y tế và sử dụng các công cụ cần thiết để phân tích các dữ liệu đó.

Một ví dụ đơn giản về ứng dụng là chuyển viện, ông Thương cho biết, Trung tâm có thể ngay lập tức nhận ra bệnh viện nào đang quá tải, bệnh viện nào không để thực hiện công tác điều phối.

“Việc này trước đây tốn khá nhiều thời gian vì phải báo cáo, điện thoại, giấy tờ trao đổi giữa các bên liên quan”, ông Thượng nói.

Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống đã tích hợp với Trung tâm cấp cứu 115, hệ thống hành chính công, ứng dụng trên thiết bị di động cho lãnh đạo… Giai đoạn tiếp theo sẽ ứng dụng cho nhân viên Sở Y tế, tích hợp hệ thống camera tại các bệnh viện…

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, sau thời gian thử nghiệm sẽ tiến hành lắp đặt 10.000 camera tại các bệnh viện. Giai đoạn II sẽ tiến hành đấu thầu thực hiện 67 dự án còn lại trong đó có 2 dự án nhóm A là Trung tâm điều hành thông minh (hơn 900 tỷ đồng) và Trung tâm tích hợp tiếp nhận thông tin một đầu số (1.000 tỷ đồng).

Nhu cầu mới, tăng trưởng mới

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngân sách hàng năm của Thành phố chỉ phục vụ cho 10 triệu dân, nhưng trên thực tế là phục vụ cho hơn 13 triệu dân, do đó, nhiều bệnh viện trở nên quá tải.

Với tốc độ tăng trưởng dân số hơn 180.000 người mỗi năm, áp lực đang đè nặng lên hai ngành trọng điểm là y tế và giáo dục. Không dự án nào đào tạo con người, đầu tư cơ sở vật chất có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng như trên. Chính vì vậy, ông Nhân cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo, hội chuẩn hay tập huấn là hết sức cần thiết để giảm tải.

Với độ phủ Internet hơn 50% dân số, các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của ngành thương mại điện tử, gọi xe, hay thanh toán trung gian… Với ngành y cũng vậy, cơ hội chỉ nằm tay những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt.

Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đối mặt với bài toán áp lực chi phí của ngành y tế do tuổi thọ người dân ngày càng cao, chi phí khám chữa bệnh tăng cao.

Báo cáo “Toàn cảnh y tế toàn cầu: Định hình tương lai 2019” của Deloitte cho thấy, chi tiêu y tế toàn cầu sẽ tăng 5,4% trong giai đoạn 2017 - 2022 (từ 7.724 tỷ USD đến 10.059 tỷ USD) so với mức 2,3% giai đoạn 2013 đến 2017.

Để kiểm soát và giảm áp lực chi phí, ngành y tế nhiều nước số hoá các dữ liệu y tế và cuối cùng là đưa về bệnh án điện tử, nơi lưu trữ tất cả các dữ liệu về người bệnh. Việc này cho phép hệ thống chuẩn đoán các bệnh trong tương lai, từ đó có các liệu pháp chữa trị từ trước, vốn được cho là chi phí thấp hơn khi phát bệnh.

Bên cạnh đó, các công nghệ như khám chữa bệnh từ xa, trợ lý ảo cũng sẽ được thúc đẩy để cân bằng bài toán lợi ích: người bệnh có xu hướng khám chữa bệnh ngoại trú vì chi phí thấp, thoải mái, trong khi các bệnh viện cũng có doanh thu nhờ vào quy mô người sử dụng nhiều.

Điều này đang tạo ra những cơ hội kinh doanh mới khi việc số hoá ngành y tế đang thay đổi cách thức mua và bán dịch vụ. Người dân có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm tốt cho sức khoẻ và dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.

Các bệnh viện cũng hưởng lợi từ xu thế này, khi họ có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn, thay vì phụ thuộc vào cơ sở khám chữa bệnh như trước kia. Đội ngũ y, bác sĩ cũng sẽ tăng tối đa công suất phục vụ bệnh nhân nhờ vào sự hỗ trợ của các công cụ khám chữa bệnh từ xa.

Công nghệ y tế là ngành tiếp theo được hưởng lợi từ xu thế này, dự kiến đạt 280,25 tỷ USD vào năm 2021. Thị trường đã chứng kiến nhiều ông lớn trong ngành công nghệ tham gia như Apple đang hợp tác với Health Gorilla để thêm dữ liệu chuẩn đoán vào iPhone. Một số công ty công nghệ khác chọn việc sát nhập với các công ty trong ngành dược để tạo áp lực lên các đối thủ truyền thống.

Điển hình như Grab, gần đây đã hợp tác với Ping An Good Doctor, nền tảng y tế điển tử Trung Quốc nhằm cung cấp dịch chăm sóc sức khoẻ trực tuyến ở Đông Nam Á. Cả hai cung cấp các dịch vụ y tế tích hợp như tư vấn y tế, giao thuốc và đặt lịch hẹn bác sỹ. Tương tự, Go-Jek cũng tích hợp HaloDoc, nền tảng bác sỹ tư vấn trực tuyến của Indonesia. Amazon mua chuỗi nhà thuốc trực tuyến PillBack, Alibaba đầu tư vào công ty dược phẩm địa phương.

Nhóm các công ty cung cấp dịch vụ bảo mật cũng được hưởng lợi, khi dữ liệu trong ngành y tế ngày càng quan trọng hơn.

Ở Việt Nam, vẫn còn sớm để cảm nhận trực tiếp các thay đổi và tác động của việc số hoá ngành y tế đến các ngành khác, nhưng rõ ràng, với áp lực chi trả của hệ thống y tế và quyết tâm của lãnh đạo, vấn đề chỉ là thời gian.

Ngành y tế kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành nền "công nghiệp y tế"
Đó là mục tiêu của Bộ Y tế tại dự thảo đề án “thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư