Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
CIEM phải tìm ra những rào cản trong cơ chế
Khánh An - 30/12/2013 14:04
 
Ngày 30/12/2013, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã kỷ niệm 35 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.  
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, CIEM

Ngày 30/12, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương nhân lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước đã nhấn mạnh, CIEM đã từng nghiên cứu ra những thể chế kinh tế để cởi trói cho lực lượng sản xuất phát triển thì giờ, vai trò, vị trí phải được nâng lên về tầm.

“Chúng ta đang trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, mà năm 2014 là năm bản lề với nhiều thách thức to lớn. Trong bối cảnh này, đề nghị CIEM tiếp tục nghiên cứu để Việt Nam đổi mới trong cải cách thể chế. Nếu không đổi mới thể chế kinh tế, đất nước càng tụt hậu xa hơn”, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Phó chủ tịch nước yêu cầu CIEM cần nghiên cứu, tổng kết mô hình đổi mới kinh tế 30 năm qua vì mô hình này đã bộc lộ những bất cập, để chuẩn bị đề xuất cho những bước phát triển tới.

“Tôi biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu Đề án Nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Việt Nam. Chúng ta không một lần nữa bung ra, đất nước không thể phát triển được. Đây là công việc lâu dài. Trước mắt, Viện cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu triển khai thành công tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Nếu không, nền kinh tế lại là nền kinh tế chắp vá, không đồng bộ”, bà Nguyễn Thị Doan yêu cầu.

Ngoài ra, Phó chủ tịch nước cũng yêu cầu CIEM tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những rào cản trong cơ chế, quản lý, lãnh đạo điều hành, kể cả những vấn đề mới xuất hiện như sở hữu chéo, lợi ích nhóm, những vấn đề chi phối sự phát triển.

“Trong điều kiện môi trường kinh doanh còn nhiều khiếm khuyết, CIEM cần nghiên cứu xây dựng hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó có Luật Doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển…”, Phó chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ngày 14/7/1977, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 209 NQ-NS/TW về việc thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế của Trung ương Đảng và Chính phủ. Ngày 17/4/1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết nghị số 215-NQ/QHK6 phê chuẩn việc thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, cơ quan ngang Bộ của Hội đồng Chính phủ.

Từ tháng 11/1993, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương được sáp nhập vào Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày nay.

Từ đó đến nay, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã thực sự đi tiên phong trong công cuộc đổi mới đầy khó khăn, từng bước tạo lập khung khổ pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần ở nước ta.

Đóng góp của Viện trên lĩnh vực này cũng rất đáng kể. Viện đã trực tiếp tham gia soạn thảo Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên ở nước ta (1987), tạo khung khổ pháp lý đầu tiên theo cơ chế thị trường cho thu hút đầu tư nước ngoài; trực tiếp soạn thảo Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, tạo cơ sở pháp lý lần đầu tiên thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân và quyền kinh doanh hợp pháp của tư nhân ở nước ta; Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994, Luật Phá sản doanh nghiệp 1993, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 và năm 2003; Luật Hợp tác xã 1997…

Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp năm 2000 và 2005 là những đạo luật về doanh nghiệp theo kịp với trình độ và xu thế của thời đại, đã hiện thực hóa được quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; đồng thời, lần đầu tiên thiết lập được khung khổ pháp lý bình đẳng, áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng CIEM cho rằng, trong quá trình cải cách kinh tế Việt Nam, CIEM có cơ hội và trách nhiệm chủ động đóng góp vào việc triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu kinh tế và cải các thể chế chuyển nhanh, mạnh sang nền kinh tế thị trường đẩy đủ.

Kinh tế ngóng bước đột phá về thể chế
Bình luận về khó khăn trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể cho nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư