
-
Kinh tế Việt Nam - một trong 32 nền kinh tế lớn nhất thế giới
-
Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
-
50 năm thống nhất đất nước và nhiệm kỳ lịch sử của Quốc hội
-
50 năm non sông liền một dải: Rạng rỡ Việt Nam -
Hơn 800 phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
![]() |
Cả nước hân hoan chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Lê Toàn |
Ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được định hình sáng rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn.
Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là nền tảng và điều kiện vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
*
* *
Sau ngày miền Nam được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, đất nước ta bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây, cấm vận, tiếp đến là hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp không còn phù hợp, dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Song, với bản chất anh hùng cách mạng, bằng sức mạnh của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã bắt tay ngay vào khôi phục nền kinh tế, xã hội sau chiến tranh và từ những thử nghiệm từng bước trong thực tiễn, Đảng ta đã đề ra và lãnh đạo công cuộc đổi mới từ năm 1986.
Vị thế của đất nước, sau 50 năm thống nhất, từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu đến một đất nước có nền kinh tế được đánh giá là điểm sáng của thế giới; chính trị - xã hội ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo: từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm... Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ... …Việt Nam đã trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên gần 5.000 USD”. Chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.
Ba trụ cột cốt lõi của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, gồm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển ngày càng vững chắc, trở thành trụ đỡ vững vàng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc. Ba trụ cột này có mối quan hệ biện chứng, tác động ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Nền tảng của ba trụ cột là nhân dân, “dân là gốc”, “dân là chủ”, “dân là trung tâm”, dân vừa là mục tiêu vừa là động lực, nguồn lực cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ sở, nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ. Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của nhân dân. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” ngày càng được hiện thực hóa.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi tiếp tục phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và phát huy vị trí, vai trò của từng nhân tố này trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, nhân dân là chủ thể của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, có ý thức thượng tôn pháp luật thì sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” .
*
* *
Sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng được củng cố và tăng cường; độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Qua 50 năm thống nhất, Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bảo đảm vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên. Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa được bảo vệ vững chắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an toàn thông tin được tăng cường, môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước được giữ vững. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được đầu tư, củng cố, tăng cường; xử lý linh hoạt, chủ động, hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền. Sức mạnh chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, sức mạnh quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường... Sức mạnh tổng hợp cho phát triển đất nước được nâng lên, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào thành công của quá trình xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế... đều có sự phát triển vượt bậc. Phát triển văn hóa, xã hội, con người có nhiều tiến bộ. Định hình hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Đến nay, có gần 99% số người lớn Việt Nam biết đọc, biết viết; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2014... Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2024 đạt 28,1%, tăng 1,3% so với năm 2023. Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được nâng lên. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành và phát triển, năm 2024 xếp thứ 56/119, tăng 2 bậc so với năm 2023; Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2024 tăng 4 bậc so với năm 2022, xếp thứ 44/132. Định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn; gắn kết kinh tế với xã hội, chính sách kinh tế với chính sách xã hội; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt kết quả tích cực; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách người có công, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài... được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Sức khỏe của nhân dân được quan tâm chăm sóc; việc khám, chữa bệnh tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 90,9% năm 2020 lên 94,1% năm 2024. Quản lý tài nguyên, đất đai được tăng cường, kiểm soát ô nhiễm môi trường được quan tâm, chú trọng huy động các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam xếp thứ 54/166, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng, hội nhập quốc tế ngày càng hiệu quả. Việt Nam đã và đang thể hiện rõ, tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế...
Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Từ một đất nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế…
Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức quốc tế và khu vực, có quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh phát triển sâu rộng, thực chất.
Việc tham gia các thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế đa tầng nấc, nhất là 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã gắn kết Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới từ năm 2019 đến nay, là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là lựa chọn mang tính lịch sử, là sự nghiệp sáng tạo vĩ đại mang tầm vóc lịch sử, có ý nghĩa to lớn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, quy luật, xu thế phát triển chung của thời đại. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của nước ta không ngừng nâng cao... Sau 50 năm đất nước thống nhất mở ra cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế mới, tầm nhìn mới cho đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
*
* *
Với tinh thần “thần tốc, táo bạo” của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, sau 50 năm, đất nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hướng tới mục tiêu lớn, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp lần này “không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính, mà còn là điều chỉnh không gian kinh tế; điều chỉnh về phân công, phân cấp, điều chỉnh về phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế”.
Xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; sáp nhập một số tỉnh, bỏ cấp huyện, tiếp tục sáp nhập cấp xã, mang lại nhiều thuận lợi.
Một là, sau khi sáp nhập, hợp nhất một số tỉnh, cấp tỉnh có không gian phát triển như một vùng của đất nước, sẽ không bị chia cắt bởi địa giới hành chính cấp tỉnh nhiều như hiện nay. Sau khi tiếp thu, triển khai chủ trương, đường lối, chính sách... của Trung ương, tổ chức Đảng cấp tỉnh sẽ triển khai ngay xuống tổ chức Đảng cấp cơ sở, mà không cần phải qua cấp trung gian là tổ chức Đảng cấp huyện như hiện nay.
Hai là, việc bỏ khâu trung gian là tổ chức Đảng, chính quyền cấp huyện sẽ giúp giảm tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức cấp huyện, nghĩa là giảm được nguồn lực rất lớn đang chi cho cấp huyện cả nước hiện nay. Nguồn lực này để tăng cường cho cấp tỉnh và cấp cơ sở, một phần dành cho đầu tư phát triển đất nước, đầu tư cho người dân như khám, chữa bệnh không mất tiền (Bộ Chính trị đã quyết định không thu học phí cho học sinh từ mầm non, mẫu giáo đến phổ thông trung học ở các trường công lập từ năm học 2025 - 2026).
Ba là, việc bỏ khâu trung gian là tổ chức Đảng, chính quyền cấp huyện sẽ giúp tổ chức Đảng, chính quyền cấp tỉnh trực tiếp định hướng, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát sâu sát đến từng tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn). Ngược lại, tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở sẽ làm việc, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo... trực tiếp từ tổ chức Đảng, chính quyền cấp tỉnh. Như vậy, mọi việc sẽ thông suốt từ cấp Trung ương, cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Bốn là, tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) là cấp gần dân, sát dân nhất cần được tăng cường đầu tư về nhân lực, vật lực, tài lực để phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, phản ánh kịp thời cho tổ chức Đảng, chính quyền cấp tỉnh. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, đảng viên và nhân dân được giải quyết nhanh chóng, kịp thời...
Năm là, tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở là cấp gần dân, sát dân nhất, thì sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” có kết quả trong thực tiễn...
*
* *
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới. Đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, trong đó mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc.
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, khơi dậy ý chí tự lực, tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ đạt được những kỳ tích (kỳ tích về một nước dân chủ thuộc địa nửa phong kiến có thể chiến thắng hai đế quốc, thực dân hùng mạnh; kỳ tích về một nước từ bị bao vây cấm vận thực hiện thành công công cuộc đổi mới với những thành tựu vĩ đại). Hiện là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Từ những vấn đề trên, có thể thấy, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới”.

-
Cơ đồ và vị thế của Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất -
Xúc động lễ tiễn đoàn tàu đường sắt “Thống Nhất” vào Nam -
Tiêu chí chức danh chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh -
Khánh thành Tượng đài Công an nhân dân “Vì bình yên cuộc sống” -
Chủ tịch nước quyết định đặc xá năm 2025 cho hơn 8.000 phạm nhân -
Từ 1/5, công chức “một cửa” Hà Nội được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng -
Hà Nội chốt phương án, tên gọi 126 phường, xã mới
-
Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket thông báo tìm kiếm địa điểm đầu tư (lần 3)
-
Chất lượng làm nên thương hiệu: Bí quyết phát triển sản phẩm của Orenda
-
Beyond Digital - Dấu ấn CMC tại sự kiện công nghệ lớn nhất Hàn Quốc
-
Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket thông báo tìm kiếm địa điểm đầu tư (lần 2)
-
Acecook Việt Nam và hành trình 30 năm phát triển cùng đất nước
-
Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai, thành viên Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ được vinh danh Doanh nghiệp phát triển vững mạnh 2025