Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Cơ hội kinh doanh 2015 thuộc về ai?
Khánh An - 17/01/2015 09:39
 
Nhiều cơ hội kinh doanh sẽ xuất hiện trong năm 2015, nhưng câu hỏi ai sẽ tiếp cận và khai thác được các cơ hội này lại không chỉ nằm trong tay của doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
“Chọn - bỏ” gỡ cơ chế “xin - cho”
Doanh nghiệp tư nhân sống nhờ vốn vay
Năm 2015: Những cánh cửa đang mở
Ứng biến được, doanh nghiệp nội sẽ thắng
Doanh nghiệp Việt mới ăn xổi lợi ích từ internet

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) không nghi ngại về khả năng thăng hạng của Việt Nam trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Bussines) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ công bố vào tháng 10/2015.

Cơ hội kinh doanh 2015

Cải cách thể chế sẽ tháo bỏ rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam trong tiếp cận cơ hội kinh doanh

Thậm chí, tính toán của CIEM còn chi tiết đến mức, vị trí mới của Việt Nam như bảo vệ nhà đầu tư có thể tăng từ 117 lên vị trí 100; đăng ký kinh doanh có thể vọt lên vị trí 50 thay vì 125 hiện tại.

“Những cải cách thể chế đã tạo nên dấu ấn cho năm 2014 ở khía cạnh thúc đẩy thị trường vận hành tốt hơn, cải thiện môi trường kinh doanh một cách rõ rệt. Đây là lý do động lực mới của tăng trưởng kinh tế sẽ xuất hiện vào năm 2015”, ông Cung nói.

Động lực này đang nhận được nhiều sự hậu thuẫn từ các yếu tố vĩ mô tích cực như lạm phát thấp, tăng kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm, cầu tín dụng tăng lên, chi phí vốn giảm… Khi đó, ông Cung khẳng định, dòng tín dụng sẽ gia tăng thuận theo thị trường, chứ không phải bằng các can thiệp hay chỉ đạo hành chính như năm 2014.

Đặc biệt, giá dầu giảm mạnh cũng là một điểm mừng, xét từ góc độ của doanh nghiệp. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn thấy cơ hội giảm chi phí cả cuộc sống và chi phí vận hành của người dân và doanh nghiệp, từ đó tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thậm chí, CIEM đã tính toán, doanh nghiệp sẽ giảm được tổng chi phí lên tới 3-4 tỷ USD, nếu Chính phủ không tăng thuế. Mức này tương đương như một gói kích thích kinh tế, nhưng sẽ vận hành tốt hơn theo tín hiệu thị trường, chứ không theo chủ quan của Chính phủ hay cơ quan nhà nước.

Cộng với tác động từ các hiệp định thương mại sẽ được ký kết đầu năm 2015, việc chính thức mở cửa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và khả năng hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội kinh doanh mới sẽ xuất hiện.

Tuy nhiên, câu hỏi mà cả ông Thiên và ông Cung đều cùng đặt ra vào lúc này lại là: “Ai sẽ tận dụng những cơ hội này?”.

Nhìn lại quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam, có thể thấy, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập. Có phần lý do là họ không phụ thuộc vào thể chế của Việt Nam, mà vận hành theo thể chế quốc tế, nên họ dịch chuyển rất nhanh vào địa điểm có lợi thế kinh doanh.

Thậm chí, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư U&I nhận định, càng lúc, sân chơi càng nghiêng về các doanh nghiệp FDI có chi phí vốn thấp hơn, khả năng quản lý tốt hơn. Rất ít doanh nghiệp nội đủ khả năng cạnh tranh ở thế chủ động.

Một cách thẳng thắn, đây là chủ đề nóng của khá nhiều cuộc tranh luận. Đang có quan điểm cho rằng, cần phải thu hẹp lại những ưu đãi dành cho khu vực đầu tư nước ngoài để giảm sự lấn át.

“Tôi không cho đây là một ý kiến hay. Điều chúng ta cần làm là tăng ưu đãi, thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước để các khu vực doanh nghiệp có được sự bình đẳng trong cùng sân chơi. Tôi tin, cải cách thể chế được thực hiện mạnh từ năm 2014 sẽ tháo bỏ những rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh. Khi vay ngân hàng thuận lợi hơn, chi phí kinh doanh giảm, rủi ro giảm, thì doanh nghiệp nội sẽ tận dụng được cơ hội mới”, ông Cung nói.

Có thể thấy, đa phần các điều kiện mà ông Cung nhắc tới làm tiền đề cho cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam hiện nằm trong tay các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Mai Hữu Tín nhấn mạnh rằng, những động thái cải cách được coi là điểm nhấn của năm 2014 vẫn chủ yếu nằm ở trên giấy.

“Năm 2015, sẽ có những thay đổi lớn trong hệ thống luật pháp tác động trực tiếp đến bộ máy nhà nước, như sửa Luật Tổ chức Chính phủ, xây dựng Luật Tổ chức Chính quyền địa phương… Sẽ có những thay đổi không chỉ chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, bộ, ngành địa phương, mà cả phương thức hoạt động, cách thức, năng lực, tư duy quản lý… Các cơ quan nhà nước sẽ phải chuyển được từ thói quen quản lý sang tư duy quản trị, coi doanh nghiệp, người dân là đối tác, đối tượng phục vụ”, ông Cung phân tích.

Khi đó, quản lý nhà nước mới đảm bảo theo nhu cầu phát triển, kích thích và chấp nhận sự sáng tạo và đổi mới của người dân và doanh nghiệp.

Đương nhiên, doanh nghiệp nội địa sẽ phải tự thay đổi để không bỏ lỡ các cơ hội từ động lực tăng trưởng mới, cũng như không gian phát triển mới của nền kinh tế. Trong môi trường kinh doanh đang theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp nếu không tuân thủ chuẩn mực quốc tế về hoạt động kinh doanh như tài chính, kế toán, kiểm toán… thì sẽ bị đẩy ra rìa cuộc chơi.

“Doanh nghiệp nội phải nghiên cứu những thay đổi của hệ thống luật pháp, chính sách để khai thác, tận dụng lợi thế của mình”, ông Cung khuyến nghị.

Doanh nghiệp FDI có lấn át doanh nghiệp trong nước

(Baodautu.vn) Quan hệ nội lực và ngoại lực đối với nước ta luôn là vấn đề cần được xử lý thích ứng trong mỗi giai đoạn phát triển. Samsung không ngừng đổ vốn, Việt Nam được gì? Khu vực FDI tạo quả đấm thép

Khu vực FDI tạo quả đấm thép

(Baodautu.vn) Với 21,6 tỷ USD đổ vào Việt Nam năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo năng lực cho nền kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư