Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Cơ hội ‘vừa miếng’ của doanh nghiệp
Anh Minh - 19/08/2013 07:01
 
Quá trình đấu giá chuyển giao quyền thu phí Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, vừa được Bộ Giao thông - Vận tải chính thức khởi động.
TIN LIÊN QUAN

Đến thời điểm này, vướng mắc duy nhất trong Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Đề án) là việc “cân lại” chỉ số “tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện”, một trong 7 thông số đầu vào quan trọng nhất hình thành nên giá sàn chuyển giao.

   
  Vướng mắc trong chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc
TP.HCM - Trung Lương là việc cân lại chỉ số tốc độ tăng trưởng lưu lượng
 

Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất tại cuộc họp liên bộ Tài chính - Giao thông - Vận tải thông qua bản Đề án được tổ chức vào giữa tuần trước.

Theo đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (CIMP Cửu Long) - đơn vị được giao lập Đề án, tỷ lệ tăng trưởng lưu lượng trên tuyến đường trong vòng 5 năm tới ước khoảng 6%/năm.

Trên cơ sở số thu phí cả năm 2012 của tuyến cao tốc dài 50 km này là 374 tỷ đồng, sau khi tính lãi bỏ vốn 8%/năm, chi phí tổ chức thu phí 6,6% doanh thu thu phí, thuế VAT 10%...,

CIMP Cửu Long tạm xác định giá chuyển giao quyền thu phí trong vòng 5 năm tính từ ngày 1/10/2013 là 1.603 tỷ đồng.

Điều kiện đi kèm với mức giá sàn nói trên, nếu trúng thầu, nhà đầu tư có trách nhiệm thanh toán thành 3 đợt, kéo dài trong 6 tháng, trong đó đợt 1 là 40% giá trị hợp đồng được trả ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực.

Theo bà Dương Thị Trâm Anh, Phó tổng giám đốc CIMP Cửu Long, tuyến Quốc lộ 1 song hành hiện vẫn không thu phí, nên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị chia sẻ một lượng lớn xe tải và xe container, do đó, mức tăng trưởng 6%/năm là hợp lý.

Không đồng tình với mức dự báo nói trên, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, chủ dự án cần tầm nhìn dài hạn và phải đưa ra mức tăng trưởng phương tiện cao hơn để có thể khai thác giá trị cao nhất của công sản. Cùng với đó, ông Thịnh lưu ý về những dự báo lạc quan của nền kinh tế sẽ tác động trực tiếp tới tăng trưởng lưu lượng.

Được biết, để dung hòa ý kiến hai bên, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường đề nghị CIMP Cửu Long áp dụng mức tăng trưởng 8% để tính giá khởi điểm đấu giá quyền thu phí.

Ước tính, nếu giả định tăng trưởng phương tiện là 8%/năm, giá chuyển giao quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có thể tăng thêm khoảng 30 tỷ đồng. Đây là con số đủ lớn để làm thay đổi bài toán tài chính của nhà đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp từng tham gia đấu giá chuyển giao quyền thu phí cho biết, không ít nhà đầu tư phải chịu lỗ sâu do trót tin vào dự báo tăng trưởng lưu lượng mà cơ quan quản lý nhà nước công bố.

Bất chấp lo ngại nói trên, việc đấu giá chuyển giao quyền thu phí Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được dự báo là có sức hấp dẫn cao.

Theo thống kê của CIMP Cửu Long, tại thời điểm tháng 7/2013, bình quân một ngày trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có khoảng 32.830 xe quy đổi/ngày đêm, trong đó xe dưới 12 chỗ ngồi chiếm 35%; xe 12 - 30 chỗ, xe tải 2 tấn đến dưới 4 tấn chiếm 31%; xe từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn chiếm 25%...

Mặc dù không phải là tháng cao điểm đi lại, nhưng doanh thu thu phí bình quân/ngày trong tháng 7/2013 tại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 1,106 tỷ đồng.

Với mức giá sàn dao động dưới 1.700 tỷ đồng cộng với thời gian chuyển quyền được thu lại trong 5 năm, Đề án chuyển giao quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được coi là “vừa miếng” với rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong nước.

“Hiện có ít nhất 2 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua quyền thu phí tuyến cao tốc này”, bà Trâm Anh cho biết.

Để hoàn thành việc chuyển giao quyền thu phí trước tháng 12/2013, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu CIMP Cửu Long khẩn trương hoàn thiện Đề án, chậm nhất ngày 1/10/2013, phải công bố bán đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải thông tin 30 ngày trước khi chính thức mở phiên bán đấu giá vào ngày 1/11/2013.

“Mọi đối tượng có năng lực và có nhu cầu đều có thể tham gia mua quyền thu phí, không phân biệt tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều có thể tham gia đấu giá”, ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư