Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp: Nhà nghèo khó gả chồng sang
Hà Tâm - 13/01/2015 08:17
 
Năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được cổ phần hóa. Tuy nhiên, vốn nhỏ, tài sản thấp, rủi ro cao, nên nhà đầu tư không mặn mà rót vốn, khiến các DN này gặp khó trong IPO, cũng như tìm kiếm đối tác chiến lược.  Cổ phần hóa DN nông nghiệp được ví như “nhà nghèo” rất khó gả chồng sang.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Địa phương muốn “xé rào” gọi vốn vào nông nghiệp
Cơ hội tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao từ Thái Lan
Tái cơ cấu nông nghiệp để hút FDI
Kéo vốn tư nhân Hàn Quốc vào nông nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp nông nghiệp cần gì?

Nhà đầu tư ít quan tâm

Từ ngày 1/2/2015, Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp chính thức có hiệu lực. Theo đó, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm các công ty nông nghiệp tại các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp: Nhà nghèo khó gả chồng sang

Seaprodex đã thực hiện bán cổ phần lần đầu và đang làm các thủ tục để tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu

Tất cả DN còn lại sẽ được cổ phần hóa, Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối với một số DN cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh. Đa phần DN còn lại, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần. Như vậy, năm 2015, hầu hết DN nông nghiệp đều nằm trong diện phải cổ phần hóa.

Áp lực trước mắt của ngành nông nghiệp là khá nặng nề. Theo Vụ Quản lý Doanh nghiêp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2014, ngành nông nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa với 7 tổng công ty: Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Chè, Tổng công ty Rau quả nông sản, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II).

Trong đó, mới chỉ có Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Seaprodex đã thực hiện bán cổ phần lần đầu và đang làm các thủ tục để tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu. Các tổng công ty còn lại mới chỉ vừa thực hiện xong, hoặc đang tiến hành xác định giá trị DN (Vinafood II đến ngày 31/3/2015 mới xác định xong giá trị DN).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thừa nhận, việc cổ phần hóa chậm ở một số DN là có thật: “Việc chào bán cổ phần ra công chúng trong hoàn cảnh cụ thể ở một số DN rất khó khăn, các doanh nghiệp nông nghiệp chưa thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi IPO, cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược”.

Thời gian tới, việc cổ phần hóa và thoái vốn còn khó khăn hơn, nhất là với DN nông lâm trường.

Cụ thể, theo quy định, sau cổ phần hóa, những DN nhà nước không nắm quyền chi phối, đất canh tác sẽ không được Nhà nước giao, mà sẽ phải thuê đất. Khi ấy, phần vốn của DN sẽ chỉ còn lại rất nhỏ (chủ yếu là cây cối). Điển hình như Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn ở Tuyên Quang, khi cổ phần hóa, tổng giá trị tài sản chỉ còn gần 5,2 tỷ đồng, nhưng tiền thuê đất phải trả là 205 tỷ đồng. Do đó, với những DN này, việc thu hút các thành phần kinh tế khác rót vốn đầu tư để thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên là rất khó.

Hậu cổ phần hóa còn gian nan hơn

Hiện ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có 13 tập đoàn, tổng công ty với hàng chục công ty trực thuộc và hơn 300 nông, lâm trường. Trong năm 2015, hầu hết các DN này nằm trong diện phải cổ phần hóa.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, năm 2015, ngành nông nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp, bởi DN không phát triển được, thì ngành nông nghiệp cũng không thể phát triển.

Thực tế, số DN trong ngành nông nghiệp không lớn, nên việc cổ phần hóa vẫn có thể theo kịp kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, điều khó nhất là phải đảm bảo sau cổ phần hóa, các DN này đi vào hoạt động hiệu quả. Bởi sự tồn vong của DN nông nghiệp liên quan đến đời sống của hàng ngàn hộ nông dân.

Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đỗ Văn Nam khẳng định: “Chuyển hoạt động từ hình thức bao cấp sang tự hạch toán kinh doanh là cả một quá trình. Vì vậy, sau cổ phần hóa, sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với DN. Trong đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động phải là mục tiêu sống còn của DN nông, lâm nghiệp sau khi cổ phần hóa”.

Được biết, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, theo quy định hiện hành, tại thời điểm DN nông lâm nghiệp cổ phần hóa, người lao động có tên trong DN sẽ được mua cổ phần ưu đãi với giá bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra là, hầu hết người lao động tại các DN nông, lâm nghiệp đều làm việc dưới hình thức hợp đồng nhận khoán, chứ không ký hợp đồng lao động với công ty, nên sẽ không được mua cổ phần ưu đãi. Điều này khiến lợi ích của người lao động, cũng như mối quan hệ gắn kết giữa người lao động với công ty sau khi DN cổ phần hóa chưa được bảo đảm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư