Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cổ phần hóa Vicem chậm vì vướng thủ tục xử lý đất đai
Hải Yến - 02/02/2021 14:42
 
Tiến trình cổ phần hóa Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đang bị chậm do vướng ở thủ tục xử lý đất đai.

Nhiều vướng mắc

Vicem có tên trong danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng nhiệm vụ này đã không thể hoàn thành đúng hẹn do quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp đang nắm giữ 35% thị phần xi măng cả nước này còn quá nhiều vướng mắc.

Năng lực sản xuất xi măng của Vicem hiện đạt 35 triệu tấn, thị phần 34%, là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành xi măng. Năm 2020, các ngành sản xuất, trong đó có xi măng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng Vicem vẫn đạt sản lượng 21,7 triệu tấn clinker, tăng 2,8% so với năm trước, sản lượng xi măng đạt 24,5 triệu tấn, hoàn thành kế hoạch năm. Doanh thu cả năm ghi nhận 32.550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 2.050 tỷ đồng.

Mục tiêu năm 2021 của Vicem đạt doanh thu 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 2.300 tỷ đồng, tổng sản phẩm tiêu thụ trên 30 triệu tấn.

Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem thừa nhận, cổ phần hóa Vicem chậm là do vướng ở thủ tục xử lý đất đai và một số vấn đề về định giá các quyền khai thác mỏ làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Vướng thứ nhất là quyền khai thác các mỏ đá, mỏ sét.

Theo lãnh đạo Vicem, trong hệ thống các văn bản quy định khi thực hiện cổ phần hóa chưa có quy định về định giá quyền khai thác mỏ. Khi Vicem định giá phục vụ cho cổ phần hóa năm 2018 - 2019, thì các đơn vị tư vấn định giá quyền này gần 1.200 tỷ đồng (Kiểm toán Nhà nước định giá con số nhỏ hơn). Vicem đã báo cáo Bộ Xây dựng để Bộ xin ý kiến Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa được hướng dẫn.

Tiến trình cổ phần hóa Vicem còn vướng bởi bàn giao tài sản về cho các địa phương. Ông Khánh giải thích, trong quá trình cổ phần Vicem, có một số tài sản gắn với lợi ích của địa phương và bây giờ không còn gắn với hoạt động của doanh nghiệp nữa, nhưng khi bàn giao cho địa phương thì việc hướng dẫn hạch toán kế toán giữa đơn vị cho đi là Vicem và đơn vị nhận tài sản là các địa phương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ngoài vướng mắc kể trên, nhà sản xuất xi măng này còn một số dự án xây dựng dở dang, điển hình là lô đất 10E6 - Phạm Hùng thuộc Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem đang chờ phương án xử lý.

Ông Khánh bộc bạch, để xử lý tồn tại của các dự án dở dang, nhất là Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem không hề đơn giản. “Đây là dự án lịch sử để lại, Vicem đang tập trung quyết liệt để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phải nói thật, dự án diễn ra trong một thời gian quá dài, lại liên quan đến nhiều đối tác, nhiều yếu tố, thậm chí có cả đối tác nước ngoài, nên xử lý theo luật lệ, tranh chấp, thủ tục để đảm bảo quy định của pháp luật có quá nhiều vấn đề không thể làm nhanh được”, ông Khánh nói.

Ngoài ra, Vicem còn các dự án dở dang khác như: Dự án xây dựng Khu tổng hợp Vĩnh Tuy; Dự án Nhà máy kết cấu bê tông - vật liệu xây dựng không nung; chi phí khảo sát lập Dự án khu cảng Đông Hồi…, có tổng chi phí đầu tư xây dựng lên tới vài trăm tỷ đồng. Đây đều là các cơ sở nhà đất cần phải xử lý trước khi Vicem cổ phần hóa.

Nhà nước giữ cổ phần chi phối

Trong nỗ lực đẩy nhanh nhiệm vụ cổ phần hóa, năm 2020, Vicem đã thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2019 - 2025 theo kế hoạch đã được phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án tái cơ cấu gắn liền với Đề án tái cơ cấu Vicem.

Theo ông Khánh, để xử lý quyết liệt những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa, đặc biệt với những dự án dở dang kể trên, Vicem đã thành lập tổ công tác do Phó tổng giám đốc Vicem làm Tổ trưởng để tập trung xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án đang tồn đọng do lịch sử để lại.

“Với dự án tòa nhà 16 - Phạm Hùng, đến giờ này, những bước đi xử lý đang từng bước được gỡ, hy vọng sớm cho kết quả”, ông Khánh thông tin.

Liên quan việc xử lý các doanh nghiệp yếu kém, danh sách các đơn vị kinh doanh không hiệu của Vicem đến thời điểm hiện tại còn khá dài, trong đó, một số doanh nghiệp thua lỗ chuyển về Vicem như Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long.

Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn được được tiến hành thường xuyên và đang tiếp tục thực hiện theo Đề án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, tiếp tục thực hiện thoái vốn các khoản đầu tư không nằm trong ngành nghề kinh doanh chính.

Ông Khánh cho biết, một trong các trọng tâm năm 2021 của Vicem là phải hoàn thiện phương án kinh doanh thông qua việc sáp nhập các thương hiệu Vicem Hải Vân về Vicem Hoàng Thạch, Vicem Tam Điệp về Vicem Bỉm Sơn, Vicem Sông Thao về với Vicem Hải Phòng. Việc cho sáp nhập thương hiệu này là một trong những bước đi cần thiết để vực dậy doanh nghiệp yếu kém do được dựa vào các doanh nghiệp kinh doanh tốt trong hệ thống Vicem. Thời gian qua, việc sáp nhập các thương hiệu kể trên đã được tiến hành, nhưng vẫn cần tiếp tục kiện toàn quy trình thông qua việc tinh tuyển bộ máy của các đơn vị.

Trong giai đoạn tới, với vai trò trụ cột trong sản xuất, kinh doanh và dẫn dắt thị trường xi măng, Vicem tiếp tục tập trung vào cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp và thoái vốn ở những lĩnh vực không hiệu quả.

“Năm 2021, việc cổ phần hóa vẫn triển khai theo kế hoạch đã được Chính phủ và Bộ Xây dựng phê duyệt. Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ của Vicem theo Quyết định 26/2019/QĐ-Ttg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020”, ông Lê Nam Khánh nói.

Xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem: Để "lọt" hơn nghìn tỷ đồng
Nguyên nhân chênh lệch cả ngàn tỷ đồng khi xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem trước cổ phần hóa được Kiểm toán Nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư