Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Còn hơn 65.500 tỷ đồng vẫn chưa thi hành án liên quan đến ngân hàng
Hữu Tuấn - 27/04/2017 08:12
 
Tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý I/2017, Bộ Tư pháp cho biết, các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng mới thi hành án dân sự xong hơn 1.600 vụ việc, hơn 10.500 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, từ ngày 1/10/2016 đến ngày 31/3/2017, Tổng cục thi hành án dân sự đã  thụ lý là 583.741 việc, tổng số phải thi hành là 578.515 việc. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 435.752 việc, chiếm 75,32% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 225.116 việc, tăng 12.529 việc tăng 5,89% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đó, tổng số phải thi hành là hơn 136.226 tỷ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 92.681 tỷ đồng, chiếm 68,04% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là hơn 16.908 tỷ đồng, tăng hơn 7.579 tỷ đồng  so với cùng kỳ năm 2016.

A
 Họp báo công tác tư pháp quý I/2017 của Bộ Tư pháp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư liên quan đến tiến độ thi hành án dân sự các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ông Mai Lương Khôi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), trong số này, các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng là 18.838 vụ, số tiền thi hành là hơn 76.000 tỷ đồng. Như vậy, lĩnh vực tín dụng, ngân hàng tuy chỉ chiếm 3% số việc nhưng lại chiếm tới 55% số tiền thi hành. Đến nay, đã thi hành xong 1.654 việc, tương ứng với số tiền hơn 10.524 tỷ đồng.

"Liên quan đến lĩnh vực này, Bộ Tư pháp đã ký kết Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và triển khai xuống tận các địa phương. Tới đây, chúng tôi sẽ trực tiếp về các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, phối hợp thực hiện thi hành án", ông Khôi cho biết.

Liên quan đến việc thi hành án dân sự ở 31 vụ việc thi hành án phức tạp liên quan đến các tổ chức tín dụng thuộc một số ngân hàng lớn, vào đầu tháng 4/2017, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có cuộc kiểm tra, làm việc với Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội về 15 vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng khó khăn, phức tạp liên quan đến Vietinbank và 16 vụ việc thi hành án phức tạp liên quan đến Vietcombank và Agribank.

Tại cuộc làm việc đó, ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự và ngân hàng chưa tốt, các ngân hàng cần phải tích cực hơn nữa để thu hồi các khoản nợ xấu cho nhà nước. Đồng thời, Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự yêu cầu các chi cục trưởng, chấp hành viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức thi hành án. Đối với các vụ việc cụ thể đã được chỉ đạo, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cần phải kiểm tra sự chính xác trong báo cáo của các đơn vị.

Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tổ chức các đoàn công tác để phúc tra việc thực hiện thông báo kết luận và có biện pháp chỉ đạo thi hành dứt điểm các vụ việc. Những chấp hành viên, thủ trưởng các đơn vị có liên quan không thực hiện đúng chỉ đạo của cơ quan thi hành án cấp trên sẽ bị lý nghiêm trách nhiệm.

Liên quan tới vấn đề này, tại Hội Nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự ngày 17/4/2017  , Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh việc “điểm tên” những ngân hàng không phối hợp trong giải quyết án tín dụng, ngân hàng. Ông Dũng đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nghiên cứu xây dựng văn bản phù hợp để có cơ chế xử lý những vướng mắc trong thực tiễn.

Ngày 06/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự. Thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở”; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng và các vụ án về tham nhũng; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra theo thẩm quyền, kịp thời phát hiện, khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm, nhất là vi phạm trong kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận trong công tác thi hành án và tiếp công dân; đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hoạt động thi hành án dân sự; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp kịp thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả.
Chỉ đạo cơ quan Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo cưỡng chế thi hành án hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các cơ quan công an thiếu tinh thần phối hợp; kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án theo quy định của pháp luật; chuyển giao vật chứng, tài sản, giấy tờ tạm giữ cho cơ quan thi hành án dân sự đúng thời hạn...
Hải Dương "bán" Dự án Việt Hòa - Kenmark để thu hồi nợ và bài học cho DN FDI vay vốn
Việc UBND tỉnh Hải Dương đã có những động thái xử lý mạnh tay đối với Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark để thu hồi nợ lại làm dấy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư