Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Công bố Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả năm 2024 ngành bán lẻ
Như Loan - 22/04/2024 13:57
 
Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo và cách tân trong các ngành kinh tế chủ lực năm 2024, Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư công bố Top 10 Most Innovative Enterprises (Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả - VIE 10).

Đây là những doanh nghiệp có tiềm năng và hiệu quả kinh doanh tốt nhờ tăng cường áp dụng và đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cách tân.

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo, cách tân trong phát triển đất nước và doanh nghiệp.

Bức tranh ngành bán lẻ Việt Nam 2023-2024: Sóng sau xô sóng trước

Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%) nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%).

Nhìn chung, kết quả sản xuất kinh doanh ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2023 chưa cao do lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chững lại. Năm 2023, bán lẻ dược phẩm được xem là ngành bán lẻ hoạt động tốt nhất. Về mặt lợi nhuận, bán lẻ trang sức có mức tăng trưởng tích cực trong khi các nhà bán lẻ tạp hóa và dược phẩm giảm lỗ.

Dự báo doanh thu của ngành bán lẻ năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng so với năm 2023 do sự phục hồi kinh tế và mức nền cơ sở 2023 thấp. Ngoài ra, hiệu ứng của cả chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng được triển khai trong suốt giai đoạn 2023-2024, sẽ hỗ trợ sức mua người tiêu dùng mạnh mẽ hơn trong nửa sau năm 2024.

Một số doanh nghiệp bán lẻ điển hình trong VIE10 đã có kế hoạch kinh doanh đầy triển vọng trong năm 2024 có thể kể đến: FPT Retail lên kế hoạch doanh thu tăng 17%, lên 37.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 125 tỷ đồng. Thế giới di động cũng đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 2.400 tỷ đồng, tăng 13,29 lần so với thực hiện trong năm 2023. PNJ với mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng 12% so với 2023 và lợi nhuận sau thuế tăng 6% lên 2.089 tỉ đồng. Digiworld đưa ra chỉ tiêu doanh thu năm 2024 đạt 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22%; lợi nhuận sau thuế 490 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với năm 2023. Chỉ tiêu doanh thu kế hoạch năm 2024 của riêng Satra là 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận là 3.700 tỷ đồng...

Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam: Ô cửa sổ sống còn

Trong thời đại mà việc đứng yên đồng nghĩa với việc bị tụt lại phía sau, thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt không chỉ là đổi mới mà còn phải đổi mới một cách bền vững và hiệu quả. Chiến lược đổi mới kinh doanh là một yếu tố cốt lõi cho sự thành công lâu dài của bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào. Chiến lược đổi mới sáng tạo cho phép các doanh nghiệp bán lẻ trong VIE10 đi trước đối thủ cạnh tranh, thích ứng với những điều kiện thị trường đang thay đổi và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Trong năm 2023, ngành bán lẻ ở Việt Nam đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kể về đổi mới và sáng tạo cả về sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh. Nổi bật là 5 xu hướng định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành bán lẻ bao gồm: Thứ nhất, mua sắm trực tuyến và tích hợp đa kênh; Thứ hai, cải thiện trải nghiệm khách hàng; Thứ ba, sử dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo (AI); Thứ tư, phát triển các hình thức mua sắm mới như mua sắm qua video trực tiếp (livestream shopping) và mua sắm qua ứng dụng di động đã trở nên phổ biến; Thứ năm, bán lẻ thông minh và tương tác.

Điển hình có thể kể đến như WinMart, Lotte Mart, và AEON Mall đã tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng thông qua việc tối ưu hóa không gian cửa hàng, cung cấp dịch vụ thuận tiện và tạo ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn hoặc các doanh nghiệp như The Gioi Di Dong và Mobile World đã đầu tư vào việc phát triển các cửa hàng thông minh và tương tác, kết hợp giữa mô hình bán lẻ truyền thống và công nghệ mới như VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) để tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo cho khách hàng. Công nghệ số cũng được áp dụng tại DOJI Smart giúp trải nghiệm hành trình mua sắm trang sức thông minh. Khách hàng được chào hỏi bởi Robot lễ tân Pepper với biểu cảm thân thiện có thể nhận diện khách hàng qua Face ID.

Trên thực tế, để thích ứng và đối phó với sự chuyển dịch của nền kinh tế số, các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam đang dần biến đổi thành các doanh nghiệp số khi tập trung phát triển các cửa hàng trực tuyến. Nhiều siêu thị tại Việt Nam đã thành công trong việc phát triển kênh mua sắm trực tuyến riêng như VinID, BigC... Và ngày càng có nhiều các nền tảng mua sắm trực tuyến như Shopee, Lazada, Shopee, Tiki... đang thúc đẩy hoạt động mua bán của nhiều ngành hàng. Kinh doanh trực tuyến đang trở thành một bước quan trọng giúp doanh nghiệp bán lẻ tồn tại trong thời đại kỹ thuật số.

Trong khảo sát của Viet Research với các doanh nghiệp bán lẻ trong VIE10 cũng cho thấy hơn 80% doanh nghiệp bán lẻ VIE10 cho biết đầu tư vào đổi mới sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số là những đầu tư "không hối tiếc" song song với thay đổi mô hình đầu tư không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng mà tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn lâu dài về sau. Đó cũng là tầm nhìn chiến lược mà các nhà bán lẻ đang đặt ra để bắt kịp thay đổi thói quen tiêu dùng mới.

Nghiên cứu của Viet Research về đổi mới sáng tạo và cách tân trong ngành bán lẻ cho thấy nổi lên 06 xu hướng sau: Thanh toán thông minh; Mua sắm không tiếp xúc; Thương mại đa kênh; Tự động hoá tại cửa hàng; Tính bền vững và Trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Bất kỳ thị trường nào cũng trải qua chu kỳ phát triển rất giống nhau: khởi đầu (thành), phát triển (trụ), trưởng thành (hoại), và suy thoái (diệt). Đối với Việt Nam, thị trường bán lẻ đang bắt đầu vào giai đoạn thứ hai, phát triển. Đó là lý do vì sao Việt Nam được đánh giá trong báo cáo chỉ số phát triển ngành bán lẻ toàn cầu của AT. Kearney là thị trường đứng thứ 5 trong top 10 thị trường bán lẻ đang tạo sức hút lớn nhất trên thế giới.

Cuộc chạy đua, không còn là mở bao nhiêu cửa hàng theo cách truyền thống nữa. Cuộc chạy đua bây giờ là mô hình và cách tiếp cận sáng tạo để luôn giữ được kết nối phù hợp trong sự chuyển động chóng mặt của những hình thức kết nối với khách hàng. Công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng, nhưng nguyên tắc vàng trong kinh doanh vẫn là hiểu và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng tại mọi thời điểm. Doanh nghiệp hiểu được nguyên tắc này, sẽ không bao giờ hài lòng với thành tựu hiện tại, và sẽ không ngần ngại thay đổi, cách tân mô hình mới khi đó là nhu cầu thực tế của khách hàng.

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bán lẻ thuộc số ít các ngành có thể duy trì đà tăng trưởng bởi chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Những yếu tố thuận lợi của ngành bán lẻ rất cần sự chủ động phát huy từ các nhà bán hàng để thu được hiệu quả doanh thu cao nhất.

Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Danh sách Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 ngành Bán lẻ sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề Cách tân để Phát triển tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 24 tháng 06 năm 2024 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://vie10.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư