Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Công chức không ăn vài trăm năm mới mua được nhà, sao không mở rộng đất cho nhà ở xã hội?
Nguyễn Lê - 21/11/2024 10:33
 
Câu hỏi này được đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đặt ra khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Dự thảo), sáng 21/11.
.
Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu tại hội trường. 

Đa số trong 13 ý kiến phát biểu đều tán thành ban hành nghị quyết này, song một số vị đại biểu còn băn khoăn, khi mà giá nhà ở thương mại đang quá cao, còn nhà ở xã hội lại đang quá thiếu.

Vấn đề đại biểu Long băn khoăn là nếu thí điểm ban hành chính sách này thì mặt bằng pháp lý sẽ thế nào?

Ông Long nói, Quốc hội hội đã rất kỳ công ban hành pháp luật liên quan đất đai, bất động sản. Cho tới nay có thể khẳng định hoàn thiện khá cơ bản toàn bộ hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản từ luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản.

“Nay ban hành nghị quyết thí điểm khác nữa, theo đó không cần đáp ứng yêu cầu của các luật ban hành. Như vậy có tới 2 mặt bằng pháp lý cho kinh doanh bất động sản. Một mặt bằng đáp ứng đầy đủ các quy định tại các luật, một mặt bằng không cần tuân thủ thì sẽ tác động tới thị trường thế nào?”, ông Long nêu vấn đề,

Theo đại biểu Đồng Nai thì thị trường bất động sản hiện nay có nhiều vấn đề, giá bất động sản phi mã, người nghèo, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức rất khó mua được nhà.

"Người ta tính một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà" - ông Long nói. 

“Cử tri có đặt câu hỏi là tại sao Quốc hội không áp dụng cơ chế này cho nhà ở xã hội, phát triển nhà ở xã hội mà chỉ cho nhà ở thương mại. Tất nhiên góp phần phát triển nhà ở thương mại cũng là chung cho cả xã hội. Tuy nhiên, đối tượng yếu thế không có  chính sách gì cả mà lại đề xuất thí điểm chính sách này",  ông Long phản ánh.

Mặt khác, theo đại biểu Long, với chính sách cụ thể tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ cũng báo cáo, có những địa phương thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chuyển sang xây dựng nhà ở thương mại không có gì vướng. Vậy tại sao phải thí điểm toàn bộ trên 63 tỉnh, thành? Rất cần cân nhắc về phạm vi, không thể nào mở đại trà như thế, ông Long nhấn mạnh.

Nêu rõ là báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ dự thảo nghị quyết cũng dự báo nhiều hiện tượng tiêu cực, như đầu cơ đất đai, mua gom đất nông nghiệp,...đại biểu Long nhấn mạnh, hiện tượng thu gom đất nông nghiệp đã diễn ra hàng chục năm nay rồi.

Ông Long cho rằng cần có giải pháp để chống được nguy cơ, chống được tình trạng hợp thức hóa thu gom đất đai để phát triển thị trường lành mạnh. Đặc biệt ngăn chặn thu gom, chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa, đất sản xuất….

Cũng băn khoăn về nhà ở thương mại, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nói, nhìn từ Hà Giang đến Cà Mau thì nhà ở thương mại rất nhiều, có những khu đô thị không có ai ở. Những chỗ này nếu có kinh doanh đi chăng nữa cũng là mua bán với nhau trên giấy, để kiếm lời chứ không ở. Vì đi kèm khu đô thị đó cần các dịch vụ hạ tầng kèm theo (cơ quan hành chính làm việc, trường học, bệnh viện…).

Trong khi đó, người có thu nhập thấp, lương 7 triệu, 10 triệu, 20 triệu không thể đủ tiền mua nhà thương mại. Nhu cầu thực sự là nhà ở xã hội tại sao không dành quỹ đất, không làm chính sách cho nhà ở xã hội mà lại làm chính sách cho nhà ở thương mại? – ông Khánh nêu quan điểm.

"Khu vực đất đẹp đã làm hết dự án, khi làm xong không có nhà ở. Chúng ta đang tháo gỡ cho những khu nhà ở thương mại, không mua, không bán được hoặc bán không có người ở", vị đai biểu Đồng Nai nêu quan điểm. 

Báo cáo giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu và có giải trình đầy đủ trước khi Quốc hội bấm nút thông qua. 

Theo Bộ trưởng, mục đích ban hành nghị quyết là bổ sung thêm phương thức tiếp cận đất đai thực hiện nhà ở thương mại mà hiện luật Đất đai chưa cho phép.

Theo quy định của Luật Đất đai thì các dự án khu đô thị với quy mô từ 20 ha trở lên mới triển khai được, đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô nhỏ hơn không triển khai được do vướng quy định về loại đất, vì thế rất cần thiết ban hành nghị quyết này, Bộ trưởng giải thích. 

Thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại: Cân nhắc đối với đất chuyên trồng lúa và đất rừng
Nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định về các loại đất được thực hiện thí điểm quá rộng, trong đó bao gồm cả đất trồng lúa,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư