Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn Chính phủ
Nguyên Đức - 04/06/2013 09:36
 
(baodautu) Cùng với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng đã đề xuất tới Chính phủ nhiều kiến nghị chính sách quan trọng và những chính sách đã được Chính phủ lắng nghe, triển khai thực hiện.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính là người thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các kiến nghị của mình. Các kiến nghị này bao gồm, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh cải cách cơ cấu; đột phá trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khẩn trương hơn trong tiến trình hội nhập.

Theo ông Lộc, điểm yếu lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam chính là vấn đề cơ cấu. Do vậy, Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chứ không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

“Các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng phải đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Theo hướng đó, chúng tôi đề nghị Nhà nước không thể chậm trễ hơn việc đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước”, ông Lộc nói và cho rằng, ở khía cạnh ngược lại, cần thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân một cách mạnh mẽ hơn. Và rằng, cần có một định hướng và chính sách nhất quán từ việc sửa đổi Hiến pháp tới các chính sách, luật lệ cụ thể nhằm đảm bảo một môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng và thuận lợi cho họ.

“Cần xác lập niềm tin để tạo ra những động lực phát triển mới trong khu vực này”, ông Lộc nhấn mạnh.

Trong khi đó, liên quan tới các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề nghị đưa thuế thu nhập doanh nghiệp về mức thống nhất 20%, bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp hoặc tối thiểu cần nâng mức trần lên 15-20% của doanh thu chứ không phải của chi phí.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã đề nghị tiếp tục có các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích thị trường.

Nhiều đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được Chính phủ lắng nghe và thực hiện. (Ảnh: Chí Cường)

Trước khi đề xuất các kiến nghị, phát biểu tại VBF, ông Vũ Tiến Lộc đã bày tỏ sự vui mừng khi 6 kiến nghị mà cộng đồng doanh nghiệp đề xuất tại VBF cuối năm 2012 đã được Chính phủ tiếp thu và giải quyết một số vấn đề lớn.

Chẳng hạn, cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp đưa về mức phổ thông là 20%, và Chính phủ đã trình ra Quốc hội theo hai mức 20% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 22% cho doanh nghiệp lớn.

Cuối năm 2012, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã đề xuất việc chỉ nên nâng lương tối thiểu 15%/năm thay vì mức Chính phủ dự kiến 25-27%/năm, và Chính phủ cuối cùng đã quyết định ở mức 17,5%.

“Việc đề nghị khôi phục ưu đãi đầu tư cho các dự án mở rộng đầu tư cũng như các dự án mới trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã được Chính phủ chấp thuận và Chính phủ cũng đã trình Quốc hội về việc này”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, việc kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại VBF đã được Chính phủ lắng nghe, triển khai thực hiện đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, trợ giúp cho doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn.

“Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cảm ơn Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là các nhóm giải pháp khá đồng bộ đã được nêu trong Nghị quyết 02 của Chính phủ, ông Lộc nói.

VBF 2013: chờ đợi hành động triệt để
Sáng nay (3/6), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: “Giai đoạn mới trong cải cách kinh tế: từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư