Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công khai thông tin thì đã có thể ngăn chặn vụ Việt Á và nhiều sai phạm khác
Nguyễn Lê - 14/06/2022 11:34
 
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu "hiến kế" cách công khai thông tin để dân giám sát.
.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

Nếu như công khai thông tin hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá 0,955 USD/test thì chắc chắn không xảy ra hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua, theo đại biểu Hoàng Văn Cường.

Tiếp tục kỳ họp thứ ba, sáng 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Khẳng định sự cần thiết ban hành luật này, song các vị đại biểu còn rất nhiều băn khoăn, trong đó có quy định công khai thông tin.

Một trong những quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định tại dự thảo luật là được công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nhìn lại các đại án tham nhũng trong thời gian vừa qua thì mục đích của Dự án Luật là chính xác.

Theo đại biểu, nếu như làm tốt dân chủ cơ sở sẽ tránh được vi phạm phải xử lý như thời gian vừa qua, trong đó có vụ Việt Á.

Ví dụ về vụ Việt Á, ông Cường cho rằng, nếu như thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin là nhà nước phải mua của Việt Á với giá như thế và hải quan cũng công khai thông tin hàng chuyến, hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá 0,955 USD/test thì chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua giá như giá Việt Á đã bán. Đồng thời, không xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua.

"Hoặc quay trở lại vụ của Hà Nội, cựu Chủ tịch UBND thành phố mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước, nếu như công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện sai phạm", ông Cường nêu ví dụ tiếp theo.

Khái quát, đại biểu Cường cho rằng, nhìn lại tất cả các vụ án tham nhũng từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công hoặc kể cả vụ mua bán của MobiFone (AVG) đều giống nhau ở chỗ là "thực hiện rất đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng định giá tham gia, nhiều người tham gia", nhưng có điều giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai cho người dân biết.

"Vì vậy, người dân chỉ nghe thông tin đồn thổi với nhau, không chính thống. Đến lúc sự việc xảy ra thì đồn thổi đó lại thành sự thật. Điều đó chứng tỏ nếu chúng ta công khai, cho người dân biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn từ trước", ông Cường nhìn nhận.

Từ phân tích này, vị đại biểu Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu đặt ra khi ban hành luật này là quyền lực của công dân được đảm bảo, đảm bảo công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình.

Đại biểu cũng đề xuất 2 vấn đề liên quan tới công khai minh bạch. Thứ nhất về nguyên lý thì những nguồn lực công liên quan tới người dân thì công khai, trừ những thông tin thuộc về bí mật nhà nước.

"Tôi đề nghị không nên quy định công khai những cái gì, không nên công khai cái gì. Vì thực tế cuộc sống thay đổi rất nhiều. Sau này nếu sinh ra cái mới thì phải sửa luật. Vì vậy, nên chọn phương thức loại bỏ, chỉ những cái gì thuộc về bí mật nhà nước, cấm không công khai thì không công khai, còn lại những thông tin liên quan nguồn lực công, liên quan tới người dân thì công khai", đại biểu nêu quan điểm.

Đề xuất thứ hai của đại biểu là không nên quy định công khai thông tin qua các mạng xã hội cụ thể mà chỉ quy định mục tiêu là người quản lý có trách nhiệm lựa chọn phương thức thông tin đảm bảo tối thiểu tỷ lệ % người dân biết được thông tin, ví dụ như 50%.

"Còn quy định phải công khai trên kênh này kênh kia thì thực tế nhìn thấy, nhiều đơn vị công khai, nhưng tôi xin hỏi bao nhiêu người biết. Do đó, nên quy định đầu ra tỷ lệ người được biết chứ không nên quy định cụ thể phương thức", ông Cường góp ý.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ờ cơ sở sẽ tiếp tục được hoàn thiện để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến ở kỳ họp thứ tư. 

PAPI 2021: Suy giảm trong thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất
Các địa phương chỉ đạt 4,2 - 6,25 điểm trên thang điểm 10 về chỉ số công khai, minh bạch. Kết quả trong Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư