Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Công ty bảo hiểm xoay xở thời tiền rẻ
Thanh Thủy - 25/03/2021 08:31
 
Môi trường lãi suất thấp tưởng chừng cắt đi đáng kể nguồn thu, nhưng trái lại, tiền rẻ lại mang về khoản hời lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Thắng lớn nhờ đầu tư tài chính

Năm 2020, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã phá các kỷ lục kinh doanh trước đây, đồng thời trở thành doanh nghiệp báo lãi tăng nhanh nhất trong ngành. Doanh thu phí bảo hiểm của PTI đạt 6.079 tỷ đồng, tăng 27%; lợi nhuận trước thuế cao gấp 2,16 lần năm trước, với khoản lãi gần 297 tỷ đồng, tăng 86% so với mục tiêu, chủ yếu nhờ lãi từ hoạt động tài chính.

Không riêng PTI, nhiều doanh nghiệp ngành bảo hiểm vẫn thắng lớn trong năm khó khăn vừa qua. Chỉ tính riêng nhóm 13 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.075 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2019. 

Với đặc thù phải lựa chọn khẩu vị rủi ro thấp, ưu tiên bảo toàn vốn, tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản của các hãng bảo hiểm. Đối mặt với xu hướng giảm nhanh của lãi suất trên thị trường, nguồn thu từ hoạt động đầu tư tài chính của ngành bảo hiểm tưởng chừng bị thu hẹp, nhưng bù lại, tiền rẻ đã làm nóng thị trường chứng khoán.

Chỉ số VN-Index cuối năm 2020 tăng 15% so với một năm trước và đạt mức tăng trưởng tới 67% từ mức đáy sau cú rơi sâu hồi tháng 3/2020.

Với điều kiện thuận lợi, PTI đã tất toán phần lớn khoản đầu tư vào cổ phiếu, từ mức 515 tỷ đồng hồi cuối năm trước đó, xuống còn chưa đến 6 tỷ đồng. Khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tới hơn 174 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận năm qua.

Tương tự, Tập đoàn Bảo Việt cũng giảm các khoản đầu tư vào cổ phiếu từ hơn 2.300 tỷ đồng xuống còn 1.800 tỷ đồng, phần lớn do chốt lời toàn bộ cổ phiếu Viglacera (VGC) và PV Machino (PVM). Thị trường thuận lợi giúp lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán của tập đoàn gấp hơn 10 lần năm trước đó, thu về xấp xỉ 564 tỷ đồng.

Trong khi một số doanh nghiệp bảo hiểm đã “tranh thủ” chốt lời, thì một số khác mở rộng danh mục cổ phiếu để tận dụng cơ hội từ thị trường. Chẳng hạn, Bảo hiểm Bảo Long (BLI) đầu tư thêm hơn 10 tỷ đồng vào các cổ phiếu trên sàn, trong đó giải ngân thêm vào 8 cổ phiếu mới.

Theo ông Phan Quốc Dũng, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Long, hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng vừa phải, song lợi nhuận hoạt động tài chính tăng mạnh, giúp lợi nhuận cả năm 2020 tăng  21,1%.

Danh mục đầu tư tài chính của Bảo hiểm BIDV (BIC) ghi nhận sự thay đổi đáng kể về tỷ trọng. Giá trị đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu tăng lên 351 tỷ đồng, tương đương 9% tổng giá trị thuần các khoản đầu tư tài chính (so với mức 4,7% hồi cuối năm trước đó). PVI cũng đầu tư thêm gần 400 tỷ đồng vào chứng khoán, nâng tổng giá trị cổ phiếu, trái phiếu lên 1.912 tỷ đồng.

Nhu cầu mua bảo hiểm không gặp khó vì đại dịch

Bất chấp năm đại dịch, số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, ngành bảo hiểm vẫn ghi nhận một năm tăng trưởng. Quy mô tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 552.403 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm trước; trong khi mức tăng của năm 2019 chỉ là 15%. Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm đạt 15%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ đạt 57.102 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019; lĩnh vực nhân thọ đạt 127.560 tỷ đồng, tăng 19,6%.

Tổng nhu cầu mua bảo hiểm không suy giảm vì đại dịch, nhưng có sự phân hóa, từ sản phẩm bảo hiểm đến đơn vị cung cấp dịch vụ. Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới bảo hiểm hàng không, du lịch và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ đã phục hồi khá tốt sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Trong nhóm 13 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn, doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 đạt xấp xỉ 75.411 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm gốc của PVI - hãng bảo hiểm đang nắm thị phần lớn thứ hai trong mảng phi nhân thọ chỉ tăng chưa đến 1,5%. Trong khi đó, tăng trưởng phí bảo hiểm gốc của BIC đạt hơn 17,4%, giúp Công ty vươn lên vị trí thứ 7 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.

“Giãn cách xã hội gây khó khăn cho việc tiếp cận khách hàng, làm chi tiêu của doanh nghiệp và người dân bị thắt chặt. Nhưng doanh nghiệp không chùn bước, mà biến khó khăn thành động lực”, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV nói.

Lý giải con số tăng trưởng của năm vừa rồi, ông An cho biết, Công ty đã có những đổi mới về công nghệ khi ra mắt ứng dụng di động hỗ trợ khách hàng mua bảo hiểm, khai báo tổn thất, đồng thời, ra mắt sản phẩm mới như bảo hiểm tai nạn và chăm sóc sức khỏe cao cấp dành cho người quản lý doanh nghiệp. Cùng với đó, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tăng trưởng tới 70%.

Kênh bancassurance ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng doanh thu phí, đặc biệt ở mảng bảo hiểm nhân thọ. Vẫn đang có thêm nhiều hợp đồng độc quyền được ký kết, như các hợp đồng gần đây giữa ACB với SunLife Việt Nam hay VietinBank với Manulife. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa trong bảng xếp hạng thị phần năm 2021.

Doanh nghiệp bảo hiểm đua "trẻ hóa" khách hàng
Mặt dù tỷ lệ tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ những năm qua đạt khoảng 30%/năm, nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người dân tăng trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư