Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
Covid-19 tái bùng phát, đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng
Hà Nguyễn - 26/08/2020 15:05
 
Dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam vừa qua đã tác động nhất định tới các doanh nghiệp nước ngoài, khiến vốn đầu tư giải ngân chỉ đạt 11,35 tỷ USD trong 8 tháng năm 2020.
.
.

“Việc tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, Cục Đầu tư nước ngoài đã nhận định như vậy khi công bố số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2020.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vì Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam, các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, thêm nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.

Cũng vì vậy, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 8 tháng năm 2020, chỉ bằng 94,9% so với cùng kỳ, đạt 11,35 tỷ USD.

Trong khi đó, mặc dù hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục bị ảnh hưởng. 

Số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ. 

Tính chung trong 8 tháng, theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên (tương ứng tăng 6,6% và 22,2%), song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó. Thêm vào đó, mức độ tăng cũng đang ngày càng giảm dần. 

Cụ thể, số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, vốn đăng ký mới là 9,73 tỷ USD (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019); vốn điều chỉnh đạt trên 4,87 tỷ USD (tăng 22,2% so với cùng kỳ). Còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 4,93 tỷ USD, giảm 49,2%. 

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy, mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 8 tháng đầu năm. 

8 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài giảm 13,7%. Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù đầu tư nước ngoài 8 tháng qua giảm sút so với cùng kỳ, song xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác.

“Điều này đã thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định. 

Thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng trong giai đoạn 2016-2020.
Thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng trong giai đoạn 2016-2020.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 8 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Tiếp theo, là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó, lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 2,87 tỷ USD và 1,21 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Theo đối tác, thì kể từ đầu năm tới nay, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,54 tỷ USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,97 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,75 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,... 

Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (463 dự án); Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (256 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (196 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án)…

Việt Nam sẽ có 2.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đảm bảo cung ứng cho "đại bàng FDI"
Năm 2030, nước ta sẽ có 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư