Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
CPI cả nước chỉ tăng 0,02% trong tháng 4
Nguyên Đức - 24/04/2013 09:55
 
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng rất nhẹ, chỉ 0,02% so với tháng trước.  
TIN LIÊN QUAN

Con số này được cho là phù hợp, sau khi hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM công bố CPI tháng 4, với tháng thứ hai liên tiếp giảm so với tháng trước, tương ứng giảm 0,15% và 0,33%.

Với mức tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, lạm phát của Việt Nam sau 4 tháng hiện ở mức 2,41% - còn cách khá xa mục tiêu kiềm chế lạm phát 6 - 6,5% trong năm nay.

Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 4 này tăng 6,61%. Tính trung bình, CPI 4 tháng đầu năm nay tăng 6,83% so với 4 tháng đầu năm ngoái.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,44%

Tháng 4/2013 đã ghi nhận một tín hiệu đáng chú ý, đó là ngoài nhóm hàng bưu chính - viễn thông, liên tiếp xu hướng giảm trong một thời gian dài, thì nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, cũng như nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng giảm giá.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,01%, trong đó, lương thực giảm 0,86%; thực phẩm giảm 1,26%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12%. Nắm giữ quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, việc CPI nhóm hàng này giảm giá đã có tác động nhất định khiến CPI cả nước chỉ tăng rất thấp, nếu không muốn nói gần như giữ giá.

Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,44%. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản và xây dựng vẫn đang trong tình trạng đóng băng, xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách cũng giải ngân khá chậm.

Các nhóm hàng còn lại, vẫn đang trong xu thế điều chỉnh mạnh, nên nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 3,62% so với tháng trước. Trong đó, dịch vụ y tế tăng 4,51%. Đây là nhóm hàng có mức CPI tăng mạnh nhất trong rổ hàng hóa tính CPI.

Tháng qua, do giá xăng tăng mạnh, dù sau đó đã có 2 lần giảm nhỏ giọt, nên nhóm hàng giao thông tăng 1,2%.

Tháng 4, trong khi giá USD gần như đứng yên, chỉ tăng 0,01%, thì giá vàng lại giảm 2,56% so với tháng trước.

Diễn biến CPI của tháng 4, mặc dù trên khía cạnh kiềm chế lạm phát, khiến có thể tạm yên lòng, bởi dư địa điều hành giá cả trong 8 tháng còn lại của năm còn khá lớn.

Song mặt khác, cũng đã có những ý kiến lo ngại về việc CPI tăng thấp hoặc giảm, bởi cho thấy sức mua và tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn thấp, ảnh hưởng tới động lực cho sản xuất - kinh doanh. Nhưng mặt khác, lại cũng vẫn chưa thể lơi là với mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư