Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
CPTPP "bắc cầu" cho hàng xuất khẩu Việt Nam tiến nhanh sang Canada
Thế Hoàng - 14/10/2021 08:10
 
CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 là "đòn bẩy" đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bật tăng mạnh sang thị trường Canada, trong đó 9 tháng 2021 đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 25,7%.
CPTPP có hiệu lực từ đầu 2019 đã
CPTPP có hiệu lực từ đầu 2019 đã "bắc cầu" cho hàng Việt tăng trưởng mạnh mẽ sang thị trường Canada.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada trong tháng 9/2021 đạt 490 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế 9 tháng 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 25,7%, tăng tương ứng 800 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020.

Hàng hóa xuất khẩu sang Canada 9 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tăng khá ở các nhóm hàng như: Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 43,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 34,9%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 49,3%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 143,1%....

Hàng dệt may là mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Canada, đạt gần 695 triệu USD, tăng 22,7% và chiếm 18,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này.
Xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 610 triệu USD, chiếm 15,3% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada.

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định CPTPP, Canada là một trong những thị trường thành viên tiềm năng nhất của Việt Nam trong Hiệp định này. Canada là một nền kinh tế lớn ở khu vực Bắc Mỹ, với GDP đứng thứ 9 thế giới, đứng thứ 2 trong khu vực CPTPP năm 2020. 

Cú hích cho hàng hóa xuất khẩu bật tăng mạnh sang Canada sau khi CPTPP có hiệu lực là bởi cùng với Mexico và Peru, Canada là một trong ba đối tác CPTPP chưa có FTA nào trước đó với Việt Nam. Với có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam, thị trường Canada bước đầu đã và đang được các doanh nghiệp xuất khẩu khai thác khá nhanh nhạy.

Theo Bộ Công Thương, giai đoạn trước năm 2019 (năm CPTPP có hiệu lực), xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn tăng đều, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2010-2018 là 18%, giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng từ 802 triệu USD năm 2010 lên 3,8 tỷ USD năm 2018. 

Với việc CPTPP có hiệu lực từ cuối năm 2018 với Canada và đầu năm 2019 với Việt Nam, quan hệ thương mại song phương đã có một bước chuyển mình mới.

Cụ thể, năm 2019, năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 28% so với 2018.

Năm 2020, dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại ở nhiều khu vực và làn sóng bảo hộ lên cao, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng 13%, lên mức kỷ lục 4,4 tỷ USD.

"Con số này càng ấn tượng khi đặt trong so sánh với tốc độ tăng trưởng tổng xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 so 2019 chỉ là 6,5% và sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam ở nhiều thị trường khác (xuất khẩu sang EU giảm 3,5%, sang ASEAN 8,3%, sang Nhật Bản giảm 5,5%...) và đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì ấn tượng trong 9 tháng 2021", Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ đánh giá.

Các kết quả này cho thấy Hiệp định CPTPP đã có tác động tích cực trong việc tăng cường tiếp cận cho các sản phẩm thế mạnh của chúng ta sang thị trường nhiều tiềm năng này.

Theo cam kết CPTPP, đến thời điểm 01/01/2021 Canada đã xóa bỏ thuế quan tới 96,3% tổng số dòng thuế cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Một số ít dòng còn lại (chiếm 3,7%) sẽ được xóa bỏ thuế quan muộn nhất đến năm 2029 hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (96 dòng thuế thuộc các nhóm thịt gà, trứng và các sản phẩm từ sữa).

Như vậy, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, dệt may, giày dép, đồ gỗ, sắt thép, nhựa, thủy sản, rau quả… hiện đã có thể tiếp cận thị trường Canada với mức thuế quan CPTPP bằng 0%.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Bên cạnh đó, hàng hóa cũng phải tuân thủ các quy định bắt buộc về nhập khẩu của Canada như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, và đáp ứng được thị hiếu, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng Canada.

Hiện tại ngoài CPTPP, Canada có 13 FTA khác đã có hiệu lực với 49 đối tác FTA tất cả, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực châu Mỹ. Ngoài Malaysia, Brunei, Singapore, Việt Nam và Hàn Quốc, Canada chưa có FTA với đối tác châu Á nào khác. Do đó, trong ngắn hạn, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ có lợi thế cạnh tranh so với nhiều đối thủ khác nhờ CPTPP.


CPTPP giúp hàng Việt "tăng tốc" sang Mexico
8 tháng 2021,thương mại song phương với Mexico đạt 3,24 tỷ USD, tăng 36,08% so với cùng kỳ năm 2020, đưa Mexico trở thành đối tác thương mại lớn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư