Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
CPTPP tác động đến mọi lĩnh vực
Mạnh Bôn - 05/11/2018 07:48
 
Hôm nay, ngày 5/11/2018, Quốc hội thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước khi thông qua vào ngày 12/11/2018. Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội”.
TIN LIÊN QUAN

Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ so với các thành viên khác của CPTPP, nên câu hỏi đặt ra là tham gia hiệp định này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì, thưa ông?

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP bình quân đầu người năm 2017 của Việt Nam là 2.306 USD, thấp hơn nhiều so với những nước xếp ngay trên là Pêru (6.598 USD), Mexico (9.249 USD)… cách rất xa với các nước đứng đầu CPTPP như Australia (56.135 USD), Singapore (53.880 USD)… Trình độ kinh tế của nước ta cũng còn khoảng cách rất lớn so với các thành viên khác trong CPTPP. Nhưng Việt Nam lại là nước đi tiên phong, chủ động trong việc đàm phán và thúc đẩy hình thành CPTPP.

.
.

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trước đây đã được Bộ Công thương cùng đại diện 11 nước thành viên khác ký kết vào ngày 4/2/2016, nhưng do Mỹ rút khỏi Hiệp định, nên các nước dừng việc phê chuẩn. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà APEC, đã chủ động cùng với 10 đối tác còn lại quyết tâm thúc đẩy ký kết TPP không có Mỹ. Kết quả của các nỗ lực này là vào ngày 8/3/2018, tại Santiago (Chilê), CPTPP đã chính thức được đại diện Chính phủ 11 thành viên ký kết.

CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, với quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD. Quy mô kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam hiện đã gấp 2 lần GDP và càng ngày càng tăng, chắc chắn Việt Nam sẽ có lợi khi mở rộng được thị trường với các cam kết tự do hóa tối đa. Việc tham gia hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.

Theo ông, liệu có định lượng được lợi ích mà CPTPP mang lại?

Theo tính toán, tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông - thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ giúp tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035, nhờ đó, tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động. 

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đến năm 2030, CPTPP dự kiến giúp Việt Nam giảm 0,6 triệu người nghèo (thu nhập dưới 5,5 USD/ngày).

Tất nhiên, đây mới chỉ là con số tính toán, ước lượng, còn việc có đạt được hay không, đạt được cao hơn hay thấp hơn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó là nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày một thuận lợi, thông thoáng hơn cho người dân và doanh nghiệp; phụ thuộc vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động để đẩy mạnh xuất khẩu.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức bước vào sân chơi toàn cầu kể từ năm 2007 - thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đến nay Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do cả song phương lẫn đa phương. Từ thực tế tham gia sân chơi toàn cầu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã gặt hái thành công ở mức độ nhất định, nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của nước ta luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.  

Cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, tham gia CPTPP mang lại nhiều cơ hội, nhưng cơ hội luôn đi cùng với rủi ro và thách thức đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại. Với CPTPP, các lĩnh vực sẽ chịu rủi ro, thách thức là thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Bên cạnh đó, sản xuất giấy, thép, ô tô; dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics… có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. 

Một nội dung khá nhạy cảm trong CPTPP là việc có thể có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động trong một doanh nghiệp bên cạnh tổ chức công đoàn hiện nay. Thưa ông, vấn đề này xử lý thế nào?

Tham gia CPTPP, theo rà soát của Chính phủ thì phải sửa đổi, bổ sung 8 luật, nhưng lại không có Luật Công đoàn. Theo Hiến pháp thì Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. 

Nhưng khi CPTPP có hiệu lực, thì trong một doanh nghiệp, bên cạnh tổ chức công đoàn cũng có thể có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, cũng tham gia tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Hiến pháp không phải sửa vì tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp là tổ chức xã hội, được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người người lao động, không phải là tổ chức chính trị - xã hội như công đoàn, nhưng theo tôi, phải sửa Luật Công đoàn để tránh sự tranh chấp giữa các tổ chức đại diện cho người lao động và công đoàn trong một doanh nghiệp khi cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư