Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Cú hích ChatGPT và sự bùng nổ công nghệ AI
Tú Ân - 01/02/2023 07:44
 
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ bùng nổ, tạo nên một làn sóng công nghệ mới trong năm nay.
ChatGPT có thể viết bài luận, lập trình và soạn thảo cả các đề xuất kinh doanh

Cú hích ChatGPT

Những ngày đầu năm 2023, cả thế giới lên cơn sốt với ChatGPT do công ty nghiên cứu AI là OpenAI phát hành vào tháng 11/2022. ChatGPT là một chatbot (máy hội thoại) có khả năng đưa ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp một cách trực tiếp.

Công nghệ này có thể viết bài luận, lập trình và soạn thảo cả các đề xuất kinh doanh. Theo đó, chỉ trong vài giây sau khi nhập từ khóa, ChatGPT sẽ cung cấp cho người dùng cả văn bản, hình ảnh, âm thanh và các phương tiện giải trí khác với chất lượng nội dung khá hoàn hảo.

Chỉ vài tuần sau khi ra mắt, “siêu AI” này đã đạt hơn 10 triệu người dùng và đang tăng trưởng nhanh chóng. Thành công này giúp OpenAI đàm phán để hoàn tất một thỏa thuận đầu tư có giá trị 30 tỷ USD, cao gấp đôi mức định giá trong năm 2021.

Sau khi đầu tư 1 tỷ USD vào ChatGPT năm 2019, mới đây, Microsoft lên kế hoạch đầu tư thêm 10 tỷ USD để đổi lấy 49% cổ phần trong OpenAI. “Ông lớn”  này thậm chí lên phương án tích hợp ChatGPT vào Word, Powerpoint, Outlook và công cụ tìm kiếm Bing để cạnh tranh thị phần với Google Search.

Ông Eric Boyd, Giám đốc AI của Microsoft cho biết, mô hình AI sản sinh như ChatGPT sẽ thay đổi cách con người tương tác với máy tính. Việc nói chuyện với máy tính sẽ trở nên tự nhiên như giao tiếp giữa người với người. Nó thậm chí thay đổi trải nghiệm hàng ngày của người dùng về công nghệ.

Theo đánh giá của ông Ngô Hữu Thống, đồng sáng lập Uweb.vn, ChatGPT là một trong những chatbot thông minh nhất hiện nay. Nền tảng này có thể tổng hợp thông tin trong thời gian cực ngắn từ hàng tỷ nguồn dữ liệu thuộc hầu hết ngôn ngữ hiện nay. Mỗi lượt trả lời của ChatGPT đều có thông tin và có tính tham khảo. Ngay cả với những câu hỏi chuyên sâu, ChatGPT cũng đưa ra được nhiều phản hồi có giá trị và trùng lặp với những bài viết đã có trên Internet.

Theo ông Thống, một trong những bước tiến khác của chatbot này là xử lý rất “mượt mà” ngôn ngữ. Trước đây, cách trả lời của các chatbot thường khá máy móc. Tuy nhiên, ChatGPT có sự thuần thục trong nhiều ngôn ngữ. Những câu trả lời của chatbot này cho người dùng cảm giác như được nói chuyện với người thật.

Sự hào hứng của ChatGPT đã tác động lớn tới các start-up AI khác. Ví dụ, start-up AI Jasper đã huy động được 125 triệu USD với định giá 1,5 tỷ USD. Hay như Stability AI đã huy động được 101 triệu USD với mức định giá 1 tỷ USD. Các công ty AI sản sinh tương tự như ChatGPT, nhưng có quy mô nhỏ hơn như Character.AI, Replika, You.com cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt.

Thị trường AI Việt Nam sẽ dậy sóng

Việt Nam vốn là thị trường khá nhanh nhạy với công nghệ mới. Từ năm 2020 đến nay, khi công nghệ blockchain bùng nổ, Việt Nam trở thành “công xưởng blockchain” với hàng ngàn dự án liên quan đến công nghệ này được ra đời. Chính vì vậy, với sự bùng nổ của ChatGPT, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ theo kịp làn sóng này.

Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 55/181 quốc gia về khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ. Việt Nam hiện có hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số và AI đã được ứng dụng tích cực, mạnh mẽ trong mọi mặt đời sống, như từ tài chính, công nghiệp, đô thị thông minh, y tế, bảo hiểm, nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường... Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, Vingroup, FPT… đang đầu tư rất lớn cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.

Công ty Tư vấn và Phân tích dữ liệu toàn cầu GlobalData (Anh) vừa có báo cáo về xu hướng công nghệ được đầu tư mạnh trong năm 2023. Theo đó, AI ước tính có mức đầu tư trị giá 93 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2022. Dành khoản ngân sách lớn cho AI, các nhà đầu tư mong đợi lĩnh vực này có khả năng tăng tốc và tăng cường đáng kể các công nghệ khác như robot, điện toán lượng tử và Internet vạn vật (IoT).

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT cho biết, AI đã được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ voicebot, chatbot đến các ứng dụng eKYC sử dụng cho căn cước công dân. AI được FPT ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, đến giáo dục và cả tại công sở. Đơn cử, nền tảng FPT.AI của FPT là hệ sinh thái của hơn 20 dịch vụ AI tiên tiến đang được triển khai tại 15 quốc gia, với 11 triệu người dùng và 200 triệu người giao tiếp.

“FPT đã tích hợp AI giao tiếp giữa người và Bot (Conversational AI), giúp xử lý các tác vụ lặp lại nhàm chán. AI đang là công nghệ mũi nhọn của FPT và trong 3 năm tới, FPT sẽ đầu tư ít nhất 300 tỷ đồng cho AI”, ông Tú cho biết.

Còn ông Ngô Minh Quân, CEO của Rikkei Digital cho hay, các công nghệ AI như xử lý hình ảnh, giọng nói, Deep Learning… đã thực sự đi vào cuộc sống và đang được sử dụng rộng rãi, như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe thời Covid-19, ứng dụng eKYC trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hay các hệ thống gợi ý khi mua hàng trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ AI trong các sản phẩm, dịch vụ mới. Nhiều ứng dụng thú vị của AI trong những lĩnh vực mới như nghệ thuật, sáng tạo (như vẽ tranh, viết văn) cũng có thể là cảm ứng cho công nghệ này tại Việt Nam và mở đường cho những ứng dụng mới.

“Hiện tại, Rikkeisoft đã bước đầu tự chủ về công nghệ AI lõi, nên định hướng sẽ đầu tư hơn nữa vào sản phẩm ứng dụng AI, như camera thông minh, loa thông minh. Ngoài ra, robotics là lĩnh vực được Rikkeisoft đầu tư nghiên cứu từ năm 2019. Sắp tới Rikkeisoft đẩy mạnh việc tạo ra các sản phẩm ứng dụng thực tế nhờ công nghệ robot và áp dụng trong lĩnh vực thực tế như khách sạn, resort và sân golf. Trước xu thế xe điện, trong năm tới, Rikkeisoft sẽ hưởng ứng bằng cách phát triển các ứng dụng AI và tạo ra các ứng dụng cài đặt trên xe”, ông Quân cho biết.

“Quy mô thị trường AI toàn cầu được định giá 93,5 tỷ USD và được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 38,1% từ năm 2022 đến năm 2030. Việc ứng dụng AI, Big Data trên thế giới và tại Việt Nam đã trở thành nhu cầu bắt buộc của các tổ chức, doanh nghiệp để giảm chi phí, thông minh hóa dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT nhận xét.

Đầu năm 2021, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược đưa ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới. Với các yếu tố trên, năm 2023 được kỳ vọng sẽ là năm bùng nổ công nghệ AI tại Việt Nam.

Nhân lực trí tuệ nhân tạo: Trải thảm đỏ mà không có người
Việt Nam là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng nguồn nhân lực đang rất mỏng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư