Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cửa hẹp trong bán lẻ xăng dầu
Thanh Hương - 31/05/2016 09:49
 
Mặc dù đã có 2 nhà đầu tư ngoại được nêu tên ở khâu bán lẻ xăng dầu, nhưng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phân phối xăng dầu là lĩnh vực được Việt Nam bảo lưu, không cho phép nước ngoài tham gia.
TIN LIÊN QUAN

Mở khi làm nhà máy lọc dầu

Chuyện Công ty Idemitsu Kosan (IKC) và Công ty Kuwait Petroleum International (KPI) nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp để thành lập liên doanh 100% vốn nước ngoài với tỷ lệ góp vốn 50:50, tham gia phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam thoạt nghe có vẻ ấn tượng. Tuy nhiên, việc Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8 - doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên hiện diện trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ xăng dầu không đồng nghĩa với việc lĩnh vực nhạy cảm này đã được mở cửa với tất cả các nhà đầu tư ngoại.

.
.

Hai cổ đông của Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8 chính là hai đối tác lớn nhất cùng chiếm 35,1% vốn góp trong Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD đang được xây dựng tại Thanh Hóa. IKC và KPI cũng đã nhận được cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc cho lập công ty phân phối sản phẩm của Liên hợp Lọc hóa dầu khi Dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Công ty Xăng dầu Idemitsui Q8 sẽ chỉ được phân phối sản phẩm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất ra.

Theo kế hoạch, sau khi nhận được các giấy phép cần thiết, Công ty Xăng dầu Idemitsui Q8 sẽ đầu tư trước một vài trạm xăng để tiếp thị và quảng bá hình ảnh của mình. Với quy mô 10 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thành phẩm sản xuất ra cũng có khối lượng tương đương, việc bán hàng cũng được xem là khâu khó nhằn khi muốn phát huy hiệu quả của Dự án.

Dẫu vậy, một chuyên gia dầu khí cũng cho hay, sẽ có những thời điểm Công ty Xăng dầu Idemitsui Q8 được phép nhập sản phẩm. Cụ thể là nhập khẩu về phục vụ tiếp thị, quảng bá sản phẩm trong thời gian Nhà máy chưa đi vào vận hành với sản lượng bằng 50% công suất, tức là cũng lên tới con số gần 5 triệu tấn hay khi Nhà máy dừng hoạt động bảo dưỡng theo kế hoạch. Tuy nhiên muốn nhập khẩu được, Công ty còn phải đáp ứng các điều kiện của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu như có kho bãi, cầu cảng…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (bên đang góp 27% vốn trong Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn) cũng cho biết, PV Oil không tham gia trong Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8, bởi như thế sẽ cạnh tranh lại với chính mình.

Từng có thời điểm, Chính phủ định hướng PV Oil sẽ nắm 51% vốn trong công ty phân phối sản phẩm được thành lập bởi các nhà đầu tư Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Hiện phân phối xăng dầu không nằm trong các lĩnh vực cam kết mở cửa của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tờ trình của Bộ Công thương về việc phê chuẩn Hiệp định TPP lên Chính phủ mới đây cũng cho biết, trong lĩnh vực phân phối, Việt Nam vẫn tiếp tục bảo lưu, không cho phép nước ngoài tham gia 3 lĩnh vực, trong đó có phân phối xăng dầu.

Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cũng cho hay, việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia phân phối sản phẩm của chính mình sản xuất ra không đồng nghĩa với việc “mở cửa” như vẫn hiểu. Nghĩa là, bán hàng của đơn vị khác thì chưa mở cửa, còn bán hàng do mình sản xuất thì được phép.

Petrolimex có nhà đầu tư nước ngoài

Dẫu vậy vẫn có trường hợp nhà đầu tư ngoại dù chưa tham gia xây dựng nhà máy lọc dầu nhưng đã hiện diện trong doanh nghiệp phân phối xăng dầu bán lẻ lớn nhất hiện nay. Đó là chuyện JX Nippon Oil & Energy mua 8% cổ phần của Petrolimex với trị giá khoảng 183 triệu USD.

Trước đó, việc bán cổ phần của Petrolimex cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ cho phép với nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài phải tham gia đầu tư Dự án Lọc dầu Nam Vân Phong mà Petrolimex hiện được giao là chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, dự án này đang được Petrolimex rà soát, đánh giá xem hiệu quả mới đầu tư.

Được biết, trong quá trình tính toán hiệu quả Dự án Lọc dầu Nam Vân Phong, Petrolimex cũng cho rằng, là doanh nghiệp Việt Nam nên không thể có chuyện bất bình đẳng trong việc được hưởng các ưu đãi như những dự án lọc hóa dầu của nhà đầu tư nước ngoài. “Không có luận cứ nào để không ưu đãi một doanh nghiệp trụ cột của Việt Nam. Chúng tôi đề nghị có cùng một mặt bằng, không thể phân biệt và chỉ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam”, ông Bảo nói khi được hỏi về các ưu đãi mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được hưởng, nhưng chưa chắc Lọc dầu Nam Vân Phong sẽ được hưởng tương tự.

Nói về suy nghĩ cho rằng “JX Nippon Oil & Energy mua được cổ phần tại Petrolimex trong khi lại chưa phải đầu tư vào khâu lọc dầu, nghĩa là đã thò được chân vào thị trường bán lẻ xăng dầu của Việt Nam”, ông Bảo cũng cho hay, tỷ lệ cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ chỉ có 8%, không thể nói là chi phối, nên không thể nói là đã mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu cho nước ngoài.

Đồng quan điểm này, ông Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, việc JX Nippon Oil & Energy cử người vào HĐQT Petrolimex là để quản lý vốn họ đã đầu tư, chứ không phải là cử người vào ban điều hành của doanh nghiệp – được hiểu là có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex. “Các cây xăng sẽ vẫn mang thương hiệu của Petrolimex và nhà đầu tư nước ngoài không có quyền trong việc gắn tên của mình trên biển hiệu ở các cây xăng của Petrolimex”, ông An nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư