Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cục Hàng hải Việt Nam tăng cường các hoạt động quản lý chất thải từ tàu tại cảng Tân Cảng - Cát Lái
T.V - 04/02/2021 15:55
 
Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Liên minh châu Âu và Cơ quan hợp tác quốc tế Pháp triển khai dự án thí điểm "Quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam".

Nhằm tăng cường bảo vệ môi trường biển khỏi các chất thải phát sinh từ hoạt động của tàu biển, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Liên minh châu Âu và Cơ quan hợp tác quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai dự án thí điểm "Quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam" tại Cảng Tân Cảng - Cát Lái trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”.

Sau khi hoàn tất giai đoạn 1 về đánh giá hiện trạng, hội thảo “Tầm nhìn quốc gia hướng đến nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trong quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam” đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/01/2021 với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng Tân Cảng - Cát Lái, các bên quan tâm đến chủ đề này, nhằm thảo luận về kết quả đánh giá cũng như các đề xuất, kiến nghị để triển khai cho các giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng, Cục Hàng hải Việt Nam

Chia sẻ bên lề Hội thảo, bà Trần Thị Tú Anh, Phó trưởng Phòng Khoa học công nghệ và môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam (CHHVN), cho biết, “Dự án bắt đầu khởi động từ tháng 4/2020 và đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1. CHHVN với tư cách điều phối dự án đã thực hiện khảo sát, rà soát và đánh giá thực trạng các quy định pháp luật liên quan về quản lý chất thải tàu biển tại cảng biển cũng như rà soát các quy trình thực hiện tại cảng Tân Cảng - Cát Lái từ đó đưa ra những tồn tại, bất cập trong quá trình quản lý chất thải từ tàu và của các văn bản quy phạm pháp luật so với quy định của công ước quốc tế”.

Giai đoạn 2 sẽ đề xuất một số kiến nghị và CHHVN sẽ có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai áp dụng thí điểm, qua đó đánh giá hiệu quả nhằm đề xuất bổ sung, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn của các tàu tham gia vào hoạt động chuỗi cung ứng xử lý chất thải từ cảng biển.

Theo bà Trần Thị Tú Anh, đối với đề xuất liên quan đến vấn đề khai báo online tất cả chất thải từ tàu tại cảng biển, một số hãng tàu và đại lý chỉ mới khai báo một số loại chất thải nguy hại, chưa khai báo các loại chất thải khác, trong đó có chất thải nhựa, theo Công ước MARPOL. Trong thời gian tới, CHHVN sẽ có các hoạt động hướng dẫn tuyên truyền đến cảng vụ và đại lý có thể khai báo rõ ràng theo đúng quy định của Công ước MARPOL, cũng như tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin số hóa quy trình giám sát khai báo này.

“CHHVN cho rằng thu phí gián tiếp về xả thải như đề xuất của phía các chuyên gia tư vấn là một đề xuất hay. Cụ thể, tất cả các tàu đến cảng biển Việt Nam thì đều phải thu phí xả thải dựa trên dung tích tàu (GT). Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu gom chất thải tại cảng biển còn rất hạn chế với lực lượng mỏng. Vì vậy, để áp dụng quy định này tại các cảng biển Việt Nam thì cần đánh giá tác động cụ thể đối với từng doanh nghiệp cảng biển,” bà chia sẻ.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Theo bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó giám đốc Marketing của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cảng Tân Cảng - Cát Lái có lượng tàu rất lớn từ 9 đến 10 chuyến mỗi ngày. Hiện nay, cảng đã có quy trình về xử lý chất thải được gửi đến các hãng tàu yêu cầu tuân thủ. Dù là hệ thống bài bản nhưng có rất nhiều việc cần được cải thiện hơn nữa.

Cảng Tân Cảng - Cát Lái không tự xử lý được rác thải mà ký hợp đồng với công ty cung ứng dịch vụ đến thu gom. Cảng yêu cầu khách hàng phân loại rác thải tại nguồn, đặt các thùng rác phân loại ra ba nhóm rác hữu cơ dễ phân hủy, rác thải có thể tái chế và các loại rác thải còn lại. Tuy nhiên, ý thức khách hàng vẫn chưa cao.

Vì vậy, bà Vân khuyến nghị trong khuôn khổ dự án, việc thực hiện quản lý chất thải từ tàu cần làm sao cho phù hợp với môi trường của Việt Nam. Những sách hướng dẫn ngắn gọn và chiến dịch truyền thông đến các thuyền viên, thuyền trưởng đóng vai trò quan trọng nâng cao ý thức phân loại chất thải từ tàu.

Bà cũng nhấn mạnh, “Công tác kiểm soát, giám sát quản lý phụ thuộc vào quy định của các cơ quan nhà nước, không thể nào phụ thuộc vào một Cảng Cát Lái làm mà các cảng khác không làm. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại thì việc phát sinh chi phí sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh”.

Nhiều ý kiến đóng góp có giá trị đã được ghi nhận tại Hội thảo để cơ quan chủ trì dự án hoạch định cho giai đoạn hai của dự án: áp dụng thí điểm một số giải pháp và đánh giá tính hiệu quả.

Quý vị có thể truy cập trang web sau để có thêm thông tin về dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”: https://beatplasticpollution.eu/rethinking-plastics/
Xây dựng hệ thống tín chỉ các bon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn đô thị
Nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn đô thị, hệ thống tín chỉ carbon đang được xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư