Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Củng cố nền móng mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ
Huy Hào - 06/07/2015 08:15
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, chuyến thăm sẽ củng cố thêm nền móng của mối quan hệ đối tác giữa hai nước, đồng thời đi tới nhiều thỏa thuận làm cho mối quan hệ ấy vững chắc hơn, ở tầm cao hơn.

Thưa ông, hôm nay, ngày 6/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ. Đây được coi là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Là Phó thủ tướng đầu tiên sang thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 12/2003) sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, ông đánh giá thế nào về sự phát triển quan hệ giữa hai nước sau 20 năm qua?

Khi nước ta và Hoa Kỳ từng bước bình thường hóa quan hệ rồi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào 20 năm trước, tôi đang công tác ở Bộ Ngoại giao. Năm 2000 tôi được điều động sang Bộ Thương mại, tham gia quá trình hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) vào tháng 7/2000, tiếp đó là sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ B.Clinton sang thăm Việt Nam.

Với cương vị Phó thủ tướng, tôi đã từng sang thăm Hoa Kỳ, trong đó có chuyến thăm Hoa Kỳ cùng Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, sau đó tham gia quá trình kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); kế đến là Hội nghị cấp cao APEC ở Hà Nội cuối năm 2006, Tổng thống G.Bush thăm Việt Nam và Hoa Kỳ dành cho nước ta quy chế thương mại bình thường thường xuyên (PNTR).

 

Như vậy là tôi có điều kiện chứng kiến trực tiếp quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước từ thù nghịch chuyển thành đối tác. Nhưng thú thật tôi cũng không hình dung nổi việc Tổng Bí thư Đảng ta ngày nào đó sẽ chính thức sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama! Thời thế xoay vần, trạng thái quan hệ giữa hai nước đã thay đổi hẳn.

Tháng 7/2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ. Hai bên xác lập quan hệ đối tác toàn diện, bao gồm cả thương mại, đầu tư, các vấn đề nhân đạo, đào tạo, khoa học, thậm chí cả an ninh - quốc phòng.

Là người có nhiều đóng góp trong đàm phán, thúc đẩy đi tới ký kết BTA Việt - Mỹ, ông nhận định thế nào về ảnh hưởng của Hiệp định này đối với quan hệ thương mại giữa hai nước nói riêng và quan hệ hai nước nói chung?

Khi ký BTA năm 2000, kim ngạch hai chiều chỉ vẻn vẹn trên 700 triệu USD, nay lên tới gần 40 tỷ!

Nhờ có BTA, quan hệ thương mại hai nước đã có bước nhảy vọt ngoạn mục, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước ta, hơn thế nữa, ta lại xuất siêu rất lớn.

Mối quan hệ ấy tạo ra biết bao công ăn việc làm cho người dân nước ta, đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể và lượng kiều hối không nhỏ của bà con người Việt ở Hoa Kỳ gửi về nước. Cùng với việc gia nhập WTO, BTA góp phần đổi mới cơ chế thương mại, đầu tư ở nước ta theo thông lệ quốc tế.

Mối quan hệ thương mại hai nước còn là chất xúc tác cho sự phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các đối tác khác, là đòn bẩy thúc đẩy quá trình nước ta tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phải chăng doanh nghiệp hai bên chưa hiểu rõ tiềm năng, luật lệ, thể chế, thị trường, đối tác của nhau? Các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường tôn thờ luật lệ minh bạch, rất coi trọng quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền - điều mà ở ta còn chưa được như mong muốn? Liệu có phải chất lượng nguồn nhân lực ở ta chưa cao - mà việc Intel không tìm đủ số lao động có chất lượng cần thiết là một ví dụ?

 

Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhận định, hợp tác thương mại giữa hai bên cho kết quả tốt, nhưng hoạt động đầu tư còn hạn chế. Dù vậy, cả thương mại và đầu tư đều được xem là chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Từng đảm nhận cương vị Phó thủ tướng phụ trách Kinh tế đối ngoại, ông đánh giá thế nào về nhận định đó? Sự chưa tương xứng có thể được nhìn nhận ở những điểm nào và đâu là nút thắt cần tháo gỡ để kết quả hợp tác thương mại, đầu tư tương xứng với tiềm năng?

Đấy cũng là điều băn khoăn của cá nhân tôi. Tuy Hoa Kỳ trở thành đối tác xuất khẩu số một của nước ta, nhưng về đầu tư, đến năm 2014, Hoa Kỳ chỉ nằm trong top 6 – 7 nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, với vốn FDI khoảng 10 tỷ USD.

Vấn đề đặt ra là cần tìm hiểu vì sao có tình hình đó, nhất là những nguyên nhân về phía ta để tìm cách tháo gỡ, vì Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất, có trình độ công nghệ cao nhất thế giới; các dự án đầu tư của Hoa Kỳ có thể góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế của nước ta.

Trong khuôn khổ một bài phỏng vấn, tôi không có điều kiện phân tích thấu đáo, chỉ có thể chia sẻ vài suy ngẫm.

Phải chăng doanh nghiệp hai bên chưa hiểu rõ tiềm năng, luật lệ, thể chế, thị trường, đối tác của nhau? Các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường tôn thờ luật lệ minh bạch, rất coi trọng quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền - điều mà ở ta còn chưa được như mong muốn? Liệu có phải chất lượng nguồn nhân lực ở ta chưa cao - mà việc Intel không tìm đủ số lao động có chất lượng cần thiết là một ví dụ? Hoa Kỳ mạnh về dịch vụ nhưng lĩnh vực này ở ta lại chưa phát triển và chưa thực sự mở cửa đủ rộng nên họ chưa thực sự quan tâm?...

Hoa Kỳ là quốc gia có ảnh hưởng lớn tới châu Á - Thái Bình Dương về nhiều mặt, đồng thời cũng đang rất coi trọng chiến lược hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương. Ông đánh giá thế nào về tác động của chiến lược hướng tới châu Á - Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đang triển khai? Tác động đó đối với Việt Nam nên được xem xét, đánh giá như thế nào?

Thực ra, Hoa Kỳ vốn là một quốc gia Thái Bình Dương, bờ Tây của họ hướng ra đại dương này, nếu tôi không nhầm thì kim ngạch buôn bán, làm ăn của Hoa Kỳ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm trên dưới 40% kim ngạch nước này. Gần đây người ta nói tới chủ trương “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ chủ yếu là về an ninh, chứ về kinh tế thì không mới.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, kinh tế và an ninh có mối liên hệ mật thiết với nhau; chẳng thế mà Hoa Kỳ tích cực thúc đẩy việc hình thành TPP song song với chủ trương “xoay trục”.

Dù sao đi nữa, việc Hoa Kỳ tăng cường làm ăn với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam; hy vọng rằng, việc nước ta gia nhập TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích mới.

Ngược lại, Hoa Kỳ cũng có thêm nhiều mối lợi khi mở rộng hợp tác với khu vực có nhiều tiềm năng và phát triển năng động bậc nhất thế giới này. Thêm nữa, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại vô hình trung sẽ góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng mối quan hệ với Hoa Kỳ. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự tiếp nối quan điểm của Đảng về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì lợi ích chung của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định của các quốc gia trên toàn thế giới.

Theo ông, chuyến thăm này mở ra triển vọng gì trong quan hệ giữa hai nước, cũng như tác động thế nào đến vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế?

Không phải ngẫu nhiên Bác Hồ đã trích một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ trong đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam ngày 2/9/1945. Tiếp sau đó, Bác đã 10 lần gửi thư cho Tổng thống và 4 lần gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Như vậy, Bác  Hồ sớm coi trọng vai trò của Hoa Kỳ và đã bày tỏ rõ thiện chí của nước ta. Tiếc rằng, những tín hiệu ấy đã bị phía Hoa Kỳ bỏ qua. Hơn thế nữa, các chính quyền Hoa Kỳ nối tiếp nhau trợ giúp thực dân Pháp tiến hành chiến tranh chống nhân dân ta, sau đó quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, biến hai nước thành thù địch.

Với truyền thống hòa hiếu, nước ta đã chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, qua đó góp phần xây dựng nên mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước như chúng ta đang chứng kiến.

Việc Tổng Bí thư Đảng ta sang thăm chính thức Hoa Kỳ là sự kiện lịch sử mang tính biểu tượng rất cao. Chúng ta có thể hy vọng và tin rằng, chuyến thăm sẽ củng cố thêm nền móng của mối quan hệ đối tác giữa hai nước, đồng thời đi tới nhiều thỏa thuận làm cho mối quan hệ ấy vững chắc hơn, ở tầm cao hơn. Điều này rất có lợi cho hai nước và cho khu vực.

Riêng về đầu tư, có thể kỳ vọng rằng, tiếp theo cuộc xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ mà Bộ Tài chính vừa tiến hành, việc nước ta tham gia TPP và chuyến thăm của Tổng Bí thư sẽ tạo đà mới, dấy lên làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam. Vấn đề là phía ta cần hết sức chủ động để cơ hội mới không bị bỏ lỡ.

Tỷ phú Mỹ Wibur L. Ross: Hàng xuất khẩu và bất động sản của Việt Nam rất đáng quan tâm
Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam của tôi - điểm đến đầu tư của bạn”, tại Hoa Kỳ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư