Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cước 3G đến hẹn đòi tăng giá
Hữu Tuấn - 04/07/2015 08:36
 
Các nhà mạng đang dọn đường chuẩn bị tăng cước 3G bằng điệp khúc “cước 3G Việt Nam đang rẻ nhất thế giới”.

Các lập luận về “giá cước 3G Việt Nam rẻ nhất thế giới” dựa trên cơ sở so sánh giá cước của cùng loại gói cước đại đa số người dùng Việt Nam và thế giới sử dụng là gói 500-600MB tương đương gói 70.000 đồng/tháng (khoảng 3,2 USD). Với cách tính này, nhà mạng lập luận rằng, cước 3G của Việt Nam chỉ bằng 44-46% trung bình thế giới và chỉ bằng 44-47% của các nước đang phát triển. 

So sánh này là rất khập khiễng bởi loại gói cước 500-600MB tại Việt Nam chỉ là gói cước cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu dùng 3G của khách. Nhu cầu sử dụng chính và tiêu tốn nhất của khách hàng cho các nhà mạng là các gói cước 1-3 GB/tháng, có giá 100.000-200.000 đồng/tháng.

a

Cần phải làm rõ rằng, cước 3G tại Việt Nam được tính theo 2 loại: không đăng ký gói cước được nhà mạng tính tiền theo mức 1.536 đồng/MB và đăng ký gói cước không giới hạn dung lượng chỉ giảm băng thông khi hết dung lượng tốc độ cao có giá 70.000 đồng/600 MB tốc độ cao, 100.000 đồng/1.2GB; 200.000 đồng/3GB... Nếu đăng ký gói cước khoán dung lượng và tính cước dung lượng vượt gói (10.000 đồng/50MB; 50.000 đồng/500 MB…), thì giá dung lượng vượt dung lượng khoán của gói là 512 đồng/MB.

Chỉ nhìn vào cách tính đã thấy, với giá cước không mua gói đến 1.536 đồng/MB hay giá cước vượt gói 512 đồng/MB đã là mức giá cước rất cao. Dùng cách này, nếu mỗi tháng, khách hàng dùng 600 MB, thì họ phải trả 921.600 đồng/tháng, gấp hơn 2,5-3 lần so với gói cước 500 MB/tháng theo mức trung bình của thế giới. Theo số liệu về giá cước dịch vụ truy nhập Internet di động 2014 của Liên minh Viễn thông quốc tế vừa công bố, mức giá đối với gói 500 MB của thế giới là 16,9 USD/tháng (trả trước) và 17,6 USD/tháng (trả sau), các nước đang phát triển là 16,3 - 17,5 USD/tháng và các nước phát triển là 17,8 - 18,3 USD/tháng.

So sánh mức cước 3G trả trước của một số nhà mạng trong khu vực cho thấy, mức giá data 3G của Việt Nam không quá thấp như truyền thông của các nhà mạng. Cụ thể, giá cước 3G data trả trước của nhà mạng Telkomsel ở Indonesia là 130.000 rupiah (221.000 đồng) dung lượng 2 GB với thời gian 30 ngày.

Ở Thái Lan, nhà mạng AIS cung cấp 3G data trả trước với giá 100 baht (67.700 đồng) dung lượng 1 GB trong 7 ngày và 399 baht (270.000 đồng) dung lượng 1,5 GB cho 30 ngày. Với Singapore, giá 3G data trả trước là 15 SGD (246.000 đồng) dung lượng 6 GB cho 3 ngày và 25 SGD (410.000 đồng dung lượng 14 GB) cho 7 ngày; hay 20 SGD (328.000 đồng) dung lượng 1 GB cho 30 ngày.

Tại Campuchia, giá cước 3G data không giới hạn của nhà mạng lớn nhất Metfone (nhà mạng do Viettel làm chủ) là 1,5 USD (32.400 đồng) dung lượng 1GB cho 7 ngày và 3 USD (64.800 đồng) dung lượng 1,5 GB cho 30 ngày.

Tất nhiên, để đánh giá cước 3G ở Việt Nam đắt hay rẻ còn phụ thuộc nhiều yếu tố như giá thành, chi phí, mức sống và thu nhập của người dân và đặc biệt là hoạt động đầu tư của nhà cung cấp. Nhưng có một yếu tố khiến gần 30 triệu khách hàng dùng 3G phản đối động thái dọn đường tăng cước 3G là chất lượng đường truyền kém, phập phù. Khách hàng cho rằng, chất lượng dịch vụ của các nhà mạng chưa tương xứng với chi phí mà họ phải bỏ ra hàng tháng.

Theo số liệu khảo sát đo tốc độ truy cập 3G của Netindex (đơn vị đo kiểm tốc độ Internet nổi tiếng trên thế giới), mạng 3G Việt Nam đang có tốc độ truy cập trung bình 1,66 Mbps (xếp thứ 113 trên tổng số 114 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong bảng khảo sát). Nếu so sánh với các nước lân cận, theo bảng đánh giá của Netindex, tốc độ trung bình 3G Việt Nam còn thua cả Lào (3,33 Mbps), Campuchia (5,85 Mbps), Thái Lan (5,41 Mbps).

Trong khi cước 3G của Việt Nam chưa quá thấp, chưa làm hài lòng khách hàng về tốc độ truy cập 3G, thì động thái dọn đường cho việc tăng cước của các nhà mạng dường như không đúng thời điểm.

Sự thật việc 92% người dùng đồng ý tăng cước 3G
Ngau sau khi GFK công bố kết quả khảo sát "chỉ có 8% người dùng dịch vụ 3G phản đối việc nhà mạng tăng giá cước", dư luận phản ứng khá gay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư