Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cuộc chiến ngân hàng và công ty công nghệ
Ngân hàng mua công ty công nghệ là chuyện thường. Bây giờ công ty công nghệ đi mua ngân hàng mới là chuyện nóng. Đó là nhận định của một bạn đồng nghiệp của tôi cách đây mấy tháng ở Anh.
.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh).

Đầu tháng 1/2019, Google đã lấy được giấy phép của Ngân hàng Trung ương Ireland cho phép thực hiện hoạt động thanh toán ở toàn khu vực EU. Đây là một bước tiến nữa trong tham vọng cung cấp dịch vụ ngân hàng của Google. Từ mấy năm nay, Google không hề che giấu tham vọng cung cấp các dịch vụ ngân hàng như gửi tiền, thanh toán, thậm chí là nhận tiền gửi và cho vay. Tuy giấy phép này chưa cho phép Google nhận tiền gửi và cho vay, nhưng nó gỡ bỏ rào cản để Google phát triển ra khỏi thanh toán nhỏ lẻ cho cá nhân và bắt đầu có thể cạnh tranh miếng bánh thanh toán cho doanh nghiệp.

Trong khi đó ở Mỹ, từ tháng 8/2018, chính quyền đã có dấu hiệu bật đèn xanh cho các hoạt động thanh toán, chuyển tiền và vay mượn trên mạng mà không thông qua ngân hàng truyền thống có thể nộp hồ sơ xin “giấy phép đặc biệt” (special national charters). Cho đến nay, nhiều công ty công nghệ đã nộp hồ sơ và người ta đang chờ đợi sự ra đời của các công ty công nghệ ngân hàng (bankingtech) có giấy phép hoạt động như một ngân hàng. Cuộc chiến pháp lý giữa một cơ quan quản lý của Mỹ OCC (Office of the Comptroller of the Currency) với tòa án về việc liệu OCC có quyền cấp phép cho công ty công nghệ có “giấy phép đặc biệt” để thực thi một số dịch vụ ngân hàng hay không được dự đoán là sẽ chỉ làm chậm tiến trình này. Một số bang đã lên tiếng nếu tòa án không chấp thuận cho OCC cấp phép thì một số tiểu bang của Mỹ sẽ tìm cách ra những giấy phép riêng.

Đó là chuyện ở trời Tây. Trong khi đó, ở châu Á, trò chuyện với những người làm công nghệ ở Hồng Kông và Singapore, tôi nhận ra việc công ty công nghệ muốn mua giấy phép ngân hàng (nhất là những ngân hàng vốn nhỏ, yếu kém) để “mượn vỏ” cung cấp sản phẩm công nghệ mới là chuyện không còn mới.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng đang chạy đua ứng dụng công nghệ vào quản lý để cắt giảm chi phí và đuổi kịp các công ty công nghệ. Người ta đã quá quen thuộc với chuyện Bank of America Merryl Lynch đi tuyển cả trăm sinh viên công nghệ vào làm việc ở ngân hàng và việc các ngân hàng lớn đi giành giật các chuyên gia công nghệ hàng đầu của nhau. Có một chủ tịch quỹ đầu tư ở London từng chia sẻ với người viết là bây giờ giám đốc công nghệ (CTO) còn quan trọng hơn giám đốc đầu tư (CIO) ở nhiều ngân hàng đầu tư lớn.

Ở Việt Nam, nhóm khách hàng thanh thiếu niên, chưa kiếm ra tiền nhưng chi tiêu mạnh, đang trở thành một đối tượng khách hàng quan trọng của nhiều ngân hàng và sự nhạy bén của nhóm khách hàng này với công nghệ sẽ buộc các ngân hàng phải khai phá những sản phẩm công nghệ mới. Một giám đốc chi nhánh ngân hàng chia sẻ với người viết là đối tượng này cứ thấy bạn bè xài sản phẩm nào thì sẽ vào tham gia xài, nên yếu tố mới lạ, công nghệ và “ngầu” trở thành công cụ cạnh tranh chính để thu hút lượng khách hàng này. Công nghệ không chỉ là yếu tố hỗ trợ dịch vụ tốt hơn, mà còn đang trở thành yếu tố marketing chính cho ngân hàng.

Có bạn chia sẻ với tôi rằng, bây giờ công ty kinh doanh mỹ phẩm, vàng bạc, thậm chí là đồ ăn cũng đang làm sản phẩm thông minh, máy học (machine learning), v.v. để làm yếu tố “câu khách”. Ngân hàng chắc chắn cũng phải như vậy.

Thế nhưng, đằng sau những cơn sốt bề nổi đó là nỗi lo lớn về hạ tầng hệ thống công nghệ ngân hàng. Hệ thống ngân hàng lõi của nhiều ngân hàng (không phải chỉ ở Việt Nam) được dân làm công nghệ mô tả là “nát đến không thể nát hơn” với nhiều bản mã (code) mà những người triển khai đã bỏ đi và hầu hết người ta không dám đụng vào cái lõi đó nữa. Với một nền tảng như vậy mà triển khai công nghệ mới thì quả thật là “bịt tai trộm chuông”.

Cuộc cạnh tranh giữa ngân hàng và các công ty công nghệ sẽ còn tiếp tục khốc liệt trong năm 2019. Mặc cho khẩu hiệu ngân hàng và fintech hay bankingtech là sẽ hợp tác, thì cạnh tranh chắc chắn vẫn khó tránh khỏi.

Bài học nhãn tiền trong năm 2018 là việc ở Anh, ngân hàng TSB đã gặp sự cố lớn khi nâng cấp hệ thống để “chạy” sản phẩm mới. Kết quả là lỗi hệ thống dẫn đến hơn 1,9 triệu khách hàng không thể truy cập vào tài khoản và thực hiện chuyển tiền. Kết quả là chi phí khắc phục lỗi hệ thống là khoảng 200 triệu GBP, 16.000 khách hàng ra đi và tất nhiên là CEO của ngân hàng cũng “ra đi” theo. Thế nhưng, đến tháng 12/2018 thì lại một lần nữa ngân hàng này gặp sự cố khi mà khách hàng lại tiếp tục không thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng online. Trong khi đó, ở Việt Nam, trong năm 2018 có rất nhiều vụ việc chính thức và tin đồn về việc website ngân hàng bị tin tặc tấn công.

Những ví dụ như vậy cho thấy, ngân hàng muốn nhảy vào lĩnh vực sản phẩm công nghệ mới không phải muốn làm là làm ngay được. Nói đơn giản, làm sao biết được bạn giám đốc công nghệ của mình đủ khả năng và kinh nghiệm để vận hành một hệ sản phẩm mới trên cái nền lõi ngân hàng cũ. Làm thế nào để tuyển được một nhóm công nghệ giỏi đã trở thành một câu hỏi không đơn giản cho giới chủ ngân hàng.

Ngược lại, với các công ty công nghệ trẻ, vấn đề cũng không đơn giản hơn. Lợi thế của họ là bắt đầu sau nên hệ thống công nghệ còn “lành lặn” hơn, dù chưa biết khi mở rộng lượng khách hàng thì sẽ ra sao. Nhưng điểm yếu của các công ty này là khả năng tiếp cận thị trường, khách hàng, nguồn lực. Quan trọng hơn, họ phải xây dựng thật nhanh chóng để chạy đua với cả trăm đối thủ cạnh tranh khác làm những thứ tương tự. Có lần ngồi nghe một ngân hàng lớn giới thiệu về các công ty trong “vườn ươm công nghệ” của họ, tôi phát hiện ra nhiều công ty trong đó làm những thứ tương tự nhau và sẽ “cạnh tranh đến chết” để làm cùng một thứ. Có công ty bị đào thải khỏi mảng cho vay ngang hàng thì nhảy vào phân tích dữ liệu, phát hiện ra có một công ty khác trong cùng vườn ươm đó cũng làm thứ tương tự. Có công ty đổi từ làm các hợp đồng thông minh cho ngân hàng từ năm 2017 sang làm… công nghệ hỗ trợ xuất nhập khẩu đường biển trong năm 2018.

Bức tranh đó đủ cho thấy cuộc cạnh tranh giữa ngân hàng và các công ty công nghệ sẽ còn tiếp tục khốc liệt trong năm 2019. Mặc cho khẩu hiệu ngân hàng và fintech hay bankingtech là sẽ hợp tác, thì cạnh tranh chắc chắn vẫn khó tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, với các ngân hàng, làm sao kiện toàn hệ thống công nghệ nặng nề nhiều tầng nấc và nhiều giấy tờ để khách đến đóng thẻ tín dụng, rút sổ tiết kiệm không cần ngồi chờ 1 tiếng để cầm cuốn sổ tiết kiệm gốc, là một bài toán khó, vì những yêu cầu về quản trị rủi ro và tuân thủ quy định. Ngược lại, công ty công nghệ trẻ làm sao tiếp cận khách hàng, chạy nhanh hơn đối thủ và tìm được điểm chung đôi bên cùng có lợi với ngân hàng lớn cũng là một bài toán khó. Trong cuộc cạnh tranh này, ai lơ là sẽ bị bỏ lại phía sau rất nhanh.

53 công ty công nghệ Việt Nam đạt doanh thu gần 16,7 tỷ USD
Ngày 17/9, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Lễ công bố Danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư