Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cuối năm báo cáo Quốc hội kết quả cơ cấu lại nền kinh tế
Mạnh Bôn - 22/05/2020 15:23
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhận được 75 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và 1.195 kiến nghị của cử tri và đến nay đã trả lời đầy đủ chất vấn và kiến nghị của cử tri đúng tiến độ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3

Từ kỳ họp thứ 2 đến hết kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được 75 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và 1.195 kiến nghị của cử tri trong cả nước.

Trả lời đầy đủ chất vấn và kiến nghị đúng tiến độ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại từ  kỳ họp thứ 2 đến hết kỳ họp thứ 8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhận được 75 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và 1.195 kiến nghị của cử tri và đến nay đã trả lời đầy đủ chất vấn và kiến nghị của cử tri đúng tiến độ.

Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri đối với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ yếu liên quan lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp, phân bổ vốn đầu tư phát triển, kiến nghị chính sách vĩ mô nhằm phát triển kinh tế - xã hội...

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết thấu đáo và tổ chức thực hiện các kiến nghị, chất vấn của đại biểu Quốc hội và cử tri. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn xác định, hoạt động chất vấn, kiến nghị chính là kênh cung cấp thông tin hữu ích giúp Bộ KHĐT cũng như Bộ trưởng luôn đổi mới, cải cách trong quá trình nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê”, báo cáo gửi đại biểu Quốc hội khẳng định.

 Vẫn còn kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích

Trả lời chất vất và kiến nghị liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nâng cao chất lượng quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy định và chính sách hiện hành chưa tạo cho doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ các quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để vận hành theo cơ chế thị trường.

Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa rõ ràng và phù hợp; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Cơ chế quản lý tài chính, quản lý cán bộ và lao động chưa tạo động lực và trách nhiệm để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; vẫn còn tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước. Đặc biệt, các quy định về vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng… còn thiếu nhất quán dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến hoạt động cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện, đồng bộ, nổi bật với việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2019. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, cắt giảm tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được tăng cường. Các quy định về công khai, minh bạch và giám sát đầu tư cộng đồng giúp cho người dân có thể phát huy quyền giám sát trong các hoạt động đầu tư công. “Giải ngân vốn đầu tư công từng bước được cải thiện nhưng tốc độ giải ngân còn chậm. Hiệu quả đầu tư công được cải thiện, song còn thấp so với yêu cầu của nền kinh tế cũng như trong tương quan cạnh tranh với các khu vực kinh tế khác”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chỉ ra hạn chế.

Trả lời kiến nghị, chất vấn về các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10 vào cuối năm nay, Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai tổng kết việc thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2016-2020 và xây dựng các kế hoạch cho 5 năm tới. Tuy nhiên,Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nhận định, việc hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nếu hoàn thành sẽ góp phần quyết định hiệu quả phân bổ các nguồn lực và mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021-2025.

“Phải đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế là điều kiện cần để kịp thời tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo tiền đề chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đại biểu Quốc hội.

Năng suất lao động giai đoạn 2011-2019 cải thiện đáng kể

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm là năng suất lao động của Việt Nam quá thấp. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

“Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực ASEAN”, Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, đánh giá năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế giai đoạn 2011-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năng suất lao động tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Năm 2019, năng suất lao động tăng 6,2%, giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 nên tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 dựa nhiều hơn vào gia tăng năng suất lao động.

“Đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Chuẩn bị ban hành tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025
Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết quy định về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư