Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự gây khó dễ để doanh nghiệp hối lộ hơn 25 tỷ đồng
Huệ Nguyễn - 10/07/2023 15:00
 
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan được xác định dùng nhiều hình thức, gây khó dễ, nhũng nhiễu, ép doanh nghiệp phải đưa tiền mới đề xuất cấp phép các chuyến bay.

Ngày mai, 11/7, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Có 54 bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử, trong đó có 2 cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam; Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bị cáo buộc tội “Nhận hối lộ”.

Bên cạnh đó, các bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia; và 3 cán bộ thuộc cơ quan này là Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương, bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

Các bị cáo còn lại bị xét xử về một trong các tội danh “Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong vụ án này, các doanh nghiệp đã phải “bôi trơn” hàng trăm tỷ đồng cho các lãnh đạo thuộc Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ được giao lên kế hoạch tổ chức các chuyến bay.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và cựu Cục phó Đỗ Hoàng Tùng. Ảnh: Bộ Công an.

Đơn cử, việc cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và nhiều bị cáo khác đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và chi phí phát sinh để đưa hối lộ.

Với vai trò là Cục trưởng Cục Lãnh sự, Lan được phân công tập hợp, dự thảo kế hoạch tổ chức các chuyến bay, sau đó duyệt để trình cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng ký văn bản gửi Tổ công tác 5 Bộ xin ý kiến trước khi trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.

Theo thống kê, từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước (gồm 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến combo).

Quá trình thực hiện, với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, các bị cáo gây khó dễ bằng cách không đưa vào danh sách (dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay... mục đích là ép doanh nghiệp phải đưa tiền mới đề xuất cấp phép.

Cụ thể, bà Lan chủ yếu chọn các doanh nghiệp được cấp trên chỉ định, do người thân nhờ, hoặc doanh nghiệp đã chi tiền trước (hay hứa sẽ chi tiền) để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay.

Ngoài ra, bị cáo này còn hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay.

Cụ thể, bà Lan đã 11 lần nhận tổng số tiền 13,2 tỷ đồng từ Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình để giúp đỡ phê duyệt 66 chuyến bay; 21 lần nhận 11,5 tỷ đồng từ 7 doanh nghiệp khác.

Theo cáo buộc, Nguyễn Thị Hương Lan đã có hành vi nhận hối lộ 20,2 tỷ đồng và 210.000 USD (tổng cộng trên 25 tỷ đồng).

Quá trình điều tra, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự cũng được cho là không nhận thức được hành vi, không ăn năn, hối cải và không hợp tác với cơ quan điều tra, do đó bị đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng đối khi truy tố, xét xử.

Ngoài bà Lan, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng; Chánh văn phòng Lê Tuấn Anh và Phó phòng Lưu Tuấn Dũng cũng bị quy kết đã thực hiện theo định hướng của bà Lan, gây nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp, nhận hối lộ tổng số tiền trên 14 tỷ đồng.

Nhiều "chuyến bay giải cứu" không thông qua Tổ công tác các 4 Bộ/5 Bộ
Một số cá nhân thuộc Vụ Quan hệ Quốc tế đã đề xuất, trình ký duyệt nhưng không thông qua Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ được Chính phủ giao phối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư