Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Quy hoạch Đà Nẵng kiến tạo đô thị đáng sống chuẩn quốc tế
Đà Nẵng: Khẳng định vị thế, vững bước tương lai
Hoàng Anh - 25/11/2023 08:16
 
TP. Đà Nẵng phát triển một cách mạnh mẽ để trở thành đô thị lớn của cả nước và đang bước vào cuộc tranh đua quốc tế để vươn tầm đẳng cấp.
Thành phố Đà Nẵng đang viết tiếp trang sử mới, với những mục tiêu cao hơn, xa hơn
Thành phố Đà Nẵng đang viết tiếp trang sử mới, với những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Vươn dậy mạnh mẽ

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng khẳng định, Đà Nẵng đã vươn dậy mạnh mẽ, làm một cuộc đổi đời đúng nghĩa. Không nhiều địa phương đạt được thành tích tương tự.

Đó là thực tế được công nhận, khi nói về sự phát triển của Đà Nẵng trong chặng đường hơn 1/4 thế kỷ qua, kể từ năm 1997, khi tách địa giới hành chính với tỉnh Quảng Nam.

Nhìn lại năm 1997, Đà Nẵng khi ấy chỉ là một đô thị nhỏ, không gian đô thị bó hẹp, dòng sông Hàn gắn với những xóm nhà lá nhếch nhác, các bãi biển bị che khuất bởi rừng dương và làng chài nghèo xác xơ, đời sống người dân nhiều gian khó…

Nhưng rồi, sông Hàn đã chuyển mình. Đà Nẵng trỗi dậy trở thành đô thị lớn của Việt Nam, là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thế giới, nổi danh với thương hiệu “đáng sống” và “đáng đến”. Từ một nền kinh tế thấp, đến nay quy mô và trình độ nền kinh tế của Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp 15 lần so với năm 1997. Trong hơn 2 thập kỷ qua, cơ cấu ngành kinh tế của Đà Nẵng chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh các ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, đưa thành phố trở thành một cực tăng trưởng của đất nước.

Không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997; diện tích đất đô thị năm 2019 tăng gần 4 lần so với năm 1997. Bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày với rất nhiều công trình kiến trúc cao tầng, công trình giao thông độc đáo.

Thành phố được doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao về việc tạo dựng một môi trường đầu tư năng động, luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số. Đặc biệt, thành phố còn được biết đến là địa phương ban hành nhiều chính sách đột phá mang đậm tính nhân văn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, dần định hình nét văn hóa cũng như trở thành “thương hiệu” của thành phố như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” …

“Đó là những thành tích thật sự ấn tượng, phản ánh khí thế bứt phá và xu thế tiến vượt trên hầu như tất cả các phương diện của Đà Nẵng. Với khát vọng vươn lên không ngừng, luôn đặt mình trong cuộc đua tranh phát triển quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển cao hơn, Đà Nẵng luôn coi đổi mới - sáng tạo là động lực chủ đạo dẫn dắt phát triển và luôn khuyến khích cao độ tinh thần đổi mới - sáng tạo, thường xuyên làm mới chân dung và hình ảnh Thành phố. Ngoài nỗ lực biến mình thành đô thị du lịch biển tầm cao trong khu vực và thế giới, Đà Nẵng còn chủ trương xây dựng đô thị thông minh - đổi mới - sáng tạo, với hạt nhân là trung tâm công nghệ cao của quốc gia... Tất cả hướng tới mục tiêu “đáng sống” cho con người, tạo niềm tin vững chắc vào tương lai của Đà Nẵng”, ông Trần Đình Thiên đánh giá.

Trang sử mới

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của Đà Nẵng, vì thế, nhiều nghị quyết và chính sách đặc thù về Đà Nẵng được ban hành, tạo động lực to lớn cho thành phố tăng tốc phát triển. Định hướng chiến lược trong Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, xa hơn cho Đà Nẵng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một văn bản pháp lý quan trọng để định hình tương lai của Đà Nẵng.

PGS-TS. Bùi Quang Bình, Trường đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nhận định, Quy hoạch đã cụ thể những định hướng phát triển quan trọng, tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm của Đà Nẵng. Quy hoạch xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, những khâu tạo đột phá như đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước; công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế; xác định đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện là nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Đồng thời, tập trung phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao; Quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại…

“Quy hoạch đã xác định cụ thể phương hướng của từng ngành và lĩnh vực, gắn với phân bổ không gian phát triển cụ thể từng khu vực. Điều này rất quan trọng, để thấy được hình hài của thành phố trong tương lai, để biết thành phố phát triển thế nào, phát triển ở đâu… Trung ương đã vạch rõ đường hướng và tầm nhìn tương lai, TP. Đà Nẵng bắt tay vào hành động để cụ thể hóa những mục tiêu đó thành hiện thực”, ông Bình nói. 

Theo bà Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch tích hợp tất cả các ngành và lĩnh vực. Khi làm quy hoạch thì tất cả các ngành cùng làm với nhau, vì vậy các vấn đề đan xen được giải quyết. Quy hoạch đã gắn với phương án phân bổ đất đai cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Quy hoạch làm rõ hơn những nghị quyết của Trung ương dành cho Đà Nẵng. Từ đó, cung cấp bức tranh tổng thể cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về các định hướng và lĩnh vực phát triển, cũng như các dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, cân đối về quỹ đất, bố trí sẵn quỹ đất cho các dự án. Sau khi có quy hoạch thì có cơ sở pháp lý để đồng bộ những quy hoạch khác… Quy hoạch tạo nên động lực to lớn, mở cánh cửa đến tương lai cho thành phố”, bà Tùng chia sẻ.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục  - đào tạo y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước... Đến năm 2050, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế.

Với những mục tiêu quan trọng như thế, Quy hoạch mở ra chương mới đầy triển vọng cho Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh khẳng định, cùng với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hình rõ quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong hơn 20 năm tới và giải quyết hài hòa giữa bài toán phát triển kinh tế, đô thị, với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

“Với quyết tâm cao nhất, Thành phố sẽ nỗ lực, phấn đấu để xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á”, ông Chinh nhấn mạnh.

Đà Nẵng sẽ hình thành 6 khu vực có vai trò động lực
Tổ hợp đô thị cảng biển Liên Chiểu, trung tâm dịch vụ logistics gắn với cảng Liên Chiểu được xác định là một trong 6 khu vực động lực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư