Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đà Nẵng phát huy nội lực để mở lối tương lai
Minh Hà - 15/02/2021 14:24
 
Gác lại những bộn bề, lo toan của một năm cũ đầy biến động, Đà Nẵng đang có những sách lược cụ thể với quyết tâm đưa Thành phố đến tương lai xán lạn hơn.
Thành phố bên sông Hàn đã và đang vững vàng vượt qua khó khăn để vững bước vào mùa Xuân mới tự tin, vững vàng hơn
Thành phố bên sông Hàn đã và đang vững vàng vượt qua khó khăn để vững bước vào mùa Xuân mới tự tin, vững vàng hơn

Nốt trầm kinh tế

Có nhiều câu chuyện về năm 2020 của Đà Nẵng. Đó là những ghi nhận về thành công trong khống chế, điều trị và chặn đứng Covid-19 sau 2 lần xuất hiện và bùng phát. Đó là, dù trong hoàn cảnh khó khăn và ngặt nghèo, nhưng lãnh đạo Thành phố vẫn liên tục tiếp cận các nhà đầu tư bằng những giải pháp sáng tạo, đem lại kết quả thu hút đầu tư đáng khích lệ…

Các giải pháp mới đặc biệt lưu ý đến sự nhất quán trong kêu gọi đầu tư. Thành phố cần mời gọi các Dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hợp chuẩn, sản phẩm giá trị cao. Không chỉ tìm Dự án lớn, mà phải đồng hành, hiện thực hóa những Dự án nhỏ nhưng mang lại giá trị cao, đồng thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội thực sự cho doanh nghiệp.

 Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Vậy nhưng, nốt trầm cuối năm về chỉ số tăng trưởng âm sau hơn 20 năm liên tục phát triển đang là vấn đề nổi cộm, khiến những băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo thành phố này càng “nặng ký” hơn khi bước vào năm 2021.

Chia sẻ nỗi lo này, theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, đây cũng không phải là vấn đề đáng ngại, khi nhìn vào chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng những năm qua. Có thể thấy, GRDP của Thành phố tăng bình quân 7,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, riêng năm 2019 cao gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Công bằng mà nói, dù nhận định thế nào, thì qua chỉ số này, Đà Nẵng cũng phải nhìn nhận lại để định hướng quản lý cơ cấu kinh tế ngành phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, năm 2020, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng vẫn theo hướng “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”, với mục tiêu đề ra là dịch vụ chiếm 65%. Nhưng do tác động tiêu cực liên tục của dịch bệnh, thiên tai, mảng dịch vụ đã sụt giảm ngay thời điểm cần tập trung nhất. Dịch vụ du lịch giảm mạnh, riêng mảng lưu trú giảm đến 63,2% so với năm 2019, dịch vụ thương mại chỉ đạt 77,9% kế hoạch... đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của Đà Nẵng. Thành phố buộc phải điều chỉnh, đặt lại mục tiêu cơ cấu kinh tế đến năm 2025 là dịch vụ chiếm 63 - 65%; công nghiệp - xây dựng 23 - 25% và đề ra thêm những giải pháp cụ thể để điều chỉnh dần, làm tiền đề cho năm 2021.

“Năm 2021 bắt đầu chặng đường mới, là năm đầu tiên Đà Nẵng triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 22 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù… Theo đó, kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của Thành phố sẽ hồi phục trong năm 2021, từ đó nắm vững các cơ hội trong những năm tiếp theo”, ông Hồ Kỳ Minh cho biết.

Điểm mấu chốt, theo ông Lê Trung Chinh, là Đà Nẵng đang tập hợp được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Người dân Đà Nẵng đến nay đã tự trang bị và dần hoàn thiện những kiến thức, suy nghĩ tiến bộ, hiện đại, năng động. “Những lợi thế này sẽ được phát huy, doanh nghiệp, người dân sẽ tiếp tục đồng tình hỗ trợ Thành phố, chung sức vượt khó khăn, tạo thành tựu mới”, ông Chinh nhấn mạnh.

Chiến lược khôi phục tăng trưởng

Việc khôi phục kinh tế, tạo đà để Đà Nẵng tăng trưởng trở lại là vấn đề mà Thành ủy, UBND và nhân dân TP. Đà Nẵng đang tập trung quyết liệt thực hiện. Việc chọn chủ đề năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống chính trị đặt ra cho địa phương không chỉ trong năm 2021, mà của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hiện nay, Thành phố tập trung chỉ đạo các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ “kép” là vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội, vừa đẩy mạnh hoạt động khôi phục sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế.

“Đà Nẵng đang có nhiều cơ hội trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại tự do lớn. Đây là những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới hoặc tìm nguồn cung nguyên liệu khác để bổ sung, thay thế các thị trường hiện tại đã và đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Lê Trung Chinh nhìn nhận.

Để tận dụng những lợi thế này, Đà Nẵng đang từng bước đa dạng hóa phương thức xúc tiến đầu tư, thay cách làm truyền thống… Các hình thức mới như hội nghị trực tuyến, xây dựng phim ảnh quảng bá, sử dụng mạng xã hội, phối hợp lồng ghép sự kiện của các hội, hiệp hội thương mại nước ngoài đang rất hiệu quả. Hiện tại, Thành phố chỉ đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chủ trì xây dựng Đề án Chiến lược xúc tiến đầu tư đến năm 2030, với các cơ sở dữ liệu, tài liệu, danh mục dự án kêu gọi đầu tư mới.

Nhìn lại chặng đường xây dựng, phát triển và đi lên trong 24 năm qua, Đà Nẵng đã “trang bị” cho mình hàng trăm dự án đô thị, giúp diện mạo Thành phố khang trang, hiện đại hơn, khiến giá trị bất động sản ở một số khu vực tăng nhanh, đặc biệt sau sự kiện APEC 2017. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này cũng có mặt trái là làm giảm cơ hội tiếp cận đất đai để sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu nhà ở của người dân.

Dự đoán được tình hình và bắt tay vào giải quyết các bất cập, khó khăn, Đà Nẵng đã có kế hoạch đưa vào khai thác quỹ đất lớn ngoài khu công nghiệp, đầu tư khu công nghệ cao, kêu gọi đầu tư 3 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp mới để tạo quỹ đất hoàn chỉnh hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.

Về nhu cầu nhà ở của người dân, Thành phố đã có các chương trình, đề án phát triển nhà ở xã hội. Đến nay, đã có hơn 15.000 căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng và sẽ có 9.600 căn nhà nữa trong giai đoạn 2021 - 2025.

Liên quan đến các dự án quy hoạch treo, chậm triển khai, Thành phố đã hoàn thành rà soát 1.084 đồ án quy hoạch trên địa bàn, trong đó có 542 đồ án đã hoàn thành, 58 đồ án sẽ hủy và điều chỉnh. Thành phố đã ban hành quy định về cấp phép xây dựng có thời hạn trên địa bàn, làm cơ sở thực hiện cấp phép xây dựng đối với công trình nhà ở riêng lẻ trong các khu vực quy hoạch chưa triển khai.

Đà Nẵng cũng đang lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với định hướng cấu trúc lại đô thị, phát triển tinh gọn, tập trung, với mô hình đô thị nén, cao tầng, gắn với giao thông khối lượng lớn, thay vì phát triển theo chiều rộng, tuyến tính, dọc các trục giao thông, các tuyến sông. Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ giảm quy mô đất xây dựng đô thị còn khoảng 31.836 ha, tăng hiệu quả sử dụng đất (còn 28 m2/người so với gần 67 m2/người hiện nay), mạnh dạn loại bỏ các dự án quy hoạch không khả thi, chậm triển khai, không còn phù hợp định hướng phát triển đô thị lâu dài.

Tuy nhiên, để những kế hoạch, chiến lược đó được hiện thực hóa, thì con người luôn là yếu tố then chốt, có ý nghĩa sống còn. “Với bộ máy hành chính, đội ngũ công chức, viên chức Thành phố có năng lực, trách nhiệm và đạo đức, Đà Nẵng bước vào mùa xuân mới tràn đầy năng lượng để bắt đầu cho quỹ đạo phát triển nhanh, mạnh và bền vững”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Đà Nẵng lập 14 chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ thành phố
Nhằm kiểm soát phương tiện và hành khách vào thành phố tại các chốt cửa ngõ, các chốt kiểm soát liên ngành thực hiện nhiệm vụ 24/24h, liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư