Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Đã nên có một gói kích cầu?
Hà Nguyễn - 02/12/1999 00:00
 
Dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế đang trở nên rõ nét hơn, với sự sụt giảm tổng cầu khá nặng nề, khiến đã có quan điểm cho rằng, đến lúc cần có một gói kích cầu cho nền kinh tế. Nhưng đã thực sự nên có giải pháp này?
TIN LIÊN QUAN
Nguồn lực nào để cứu hệ thống doanh nghiệp và cứu nền kinh tế?

Thực tế, thời gian gần đây, không ít dấu hiệu cho thấy sự tốt lên của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm.

Chẳng hạn, có thể nhìn vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn đang ở mức khá cao, với 15,1%, thậm chí nhập siêu đã quay trở lại, với 1,9 tỷ USD; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, bao gồm cả cấp mới và tăng thêm đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước…

Hay có thể lấy con số 8.792 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động để chứng minh điều này.

Đây đúng là dấu hiệu tích cực rất đáng chú ý, nhất là sau khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã tăng mạnh trong năm qua. Việc chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng qua vẫn tăng 5,2% so với cùng kỳ, trong khi chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1/5/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm trước… cũng có thể coi là dấu hiệu tích cực.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, những khó khăn của nền kinh tế trong hiện thời là quá lớn. Sự suy giảm sản xuất là điều rất rõ nét. Việc dư nợ tín dụng tăng chậm từ đầu năm tới nay cũng một phần bắt nguồn từ việc doanh nghiệp không nhìn thấy các cơ hội của thị trường để tiếp tục đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nên không sẵn sàng để vay vốn kinh doanh. Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCCI) gần đây cho thấy, tới 70% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, vấn đề hiện nay không phải là lãi suất bao nhiêu, mà là sức mua của thị trường.

5 tháng đầu năm, sức mua của nền kinh tế, được đo bằng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, chỉ ở mức rất thấp, tăng 4,8% so với cùng kỳ (sau khi trừ đi yếu tố giá cả). Sức mua suy kiệt, khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2013 giảm 0,06% so với tháng trước. Tổng cầu giảm mạnh khiến hệ thống doanh nghiệp không có động lực cho sản xuất.

Bởi thế, dù chỉ số tồn kho đã giảm tốc, nhưng không có một nghiên cứu nào cho thấy, tồn kho giảm là do doanh nghiệp đã xả được hàng tồn, hay do không còn sản xuất thêm nữa. FDI vào Việt Nam, không phủ nhận là tăng tốt từ đầu năm tới nay, nhưng thực ra, lại chỉ tập trung vào một số dự án lớn. Ghi nhận từ nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn rất khó khăn trong thu hút FDI. Đặc biệt, giải ngân vốn cũng gặp không ít trở ngại…

Một nhận định chung được các chuyên gia kinh tế khá thống nhất, đó là tổng cầu của nền kinh tế đã suy giảm mạnh. Hệ thống doanh nghiệp đang gặp quá nhiều khó khăn. Và dấu hiệu suy giảm kinh tế đã trở nên rõ nét hơn. Ở đầu tàu kinh tế Hà Nội, dự báo, tăng trưởng GDP quý II/2013 thấp hơn cả GDP quý I, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây. Ước 6 tháng, GDP của Hà Nội chỉ tăng trưởng 7,5%, thấp hơn con số 7,6% của năm ngoái. Rõ ràng là một dấu hiệu rất đáng chú ý.

Bởi vậy, các biện pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đã được các thành viên Chính phủ, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2013, diễn ra ngày hôm qua (26/5), thống nhất rằng, cần được đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu đã nên có một gói kích cầu để cứu hệ thống doanh nghiệp và cứu nền kinh tế? Điều này có lẽ cần được tính toán một cách cẩn trọng, nhất là những khía cạnh liên quan đến những hệ lụy, tính hai mặt của gói kích cầu, chưa kể nguồn lực ở đâu để thực hiện...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư