Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Đã thu trên 22 nghìn tỷ đồng nợ của các tổ chức tín dụng qua thi hành án
Nguyễn Lê - 08/11/2022 10:31
 
Con số trên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long nêu trong báo cáo công tác thi hành án năm 2022.
.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long báo cáo Quốc hội.

Con số trên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long nêu trong báo cáo công tác thi hành án năm 2022(từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022).

Báo cáo này cùng với các báo cáo của các cơ quan tư pháp được trình bày trong phiên họp sáng 8/11 của Quốc hội.

Theo báo cáo, về thi hành án dân sự, tổng số phải thi hành là 861.529 việc; có điều kiện thi hành 653.719 việc. Thi hành xong 539.290 việc, đạt 82,50%, tăng 6,67% so với năm 2021.

Tổng số tiền phải thi hành là gần 337 nghìn tỷ đồng; có điều kiện thi hành trên 165 nghìn tỷ đồng. Thi hành xong trên 75 nghìn tỷ đồng, đạt 45,42%, tăng 14,21% so với năm 2021. Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.

Về kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, ông Long cho biết năm 2022, các cơ quan thi hành án dân sự chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực tiếp kiểm tra, xác minh làm rõ giá trị tài sản, thống nhất biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm đối với những vụ án lớn, khó khăn, phức tạp; tổ chức đối thoại với các tổ chức tín dụng; kiểm tra, rà soát, kịp thời tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật .

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Với những giải pháp trên, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để kết quả thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng tăng cả về việc và tiền so với năm 2021, Bộ trưởng nhìn nhận.

Cụ thể, tổng số phải thi hành là 37.058 việc, tương ứng với 137.311 tỷ 299 triệu đồng (chiếm đến 41,14% trong tổng tiền phải thi hành; tăng 843 việc và tăng 11.435 tỷ 806 triệu đồng so với năm 2021). Trong đó, có điều kiện thi hành là 22.473 việc, tương ứng 74.250 tỷ 301 triệu đồng. Đã thi hành xong 6.215 việc (tăng 1.712 việc so với năm 2021), tương ứng với số tiền 22.504 tỷ 503 triệu đồng (tăng 4.257 tỷ 890 triệu đồng so với năm 2021).

Đánh giá chung, Bộ trưởng nêu rõ, năm 2022, công tác thi hành án dân sự vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hậu quả khá nặng nề do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, kết quả thi hành xong về tiền đạt trên 75.240 tỷ đồng, tăng trên 28.156 tỷ đồng so với năm 2021 và tăng trên 21.460 tỷ đồng so với năm 2020 (trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt trên 15.989 tỷ đồng, tăng trên 11.895 tỷ đồng so với năm 2021).

Bộ trưởng cũng nêu khó khăn như một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản (dự án chưa hoàn thiện hồ sơ theo pháp luật đầu tư và đất đai; tranh chấp khởi kiện phân chia tài sản chung; xử lý quyền sử dụng đất đảm bảo phù hợp quy hoạch…). Trong khi đó, lượng án phải thi hành ở các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều, có tranh chấp hoặc đang có vướng mắc về pháp luật khi xử lý như đã nêu trên dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư