Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Đại dịch bùng phát không tác động lên CPI
Mạnh Bôn - 12/08/2020 08:49
 
Làn sóng Covid-19 tái diễn phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, song theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), lần này giá cả thị trường không bị tác động tiêu cực.
.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Thiên tai, dịch bệnh là những yếu tố tác động rất mạnh tới giá cả thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân những tháng đầu năm đã chứng minh điều này. Thưa bà, Covid-19 đã quay trở lại sẽ tác động thế nào đến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020?

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tác động của Covid-19 đến giá cả thị trường. Qua theo dõi thấy rằng, đến bây giờ đại dịch không tác động tới CPI. Ngay cả ở những địa phương bị tác động mạnh nhất hiện nay là Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM… giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường không có dấu hiệu tăng, kể cả hàng hóa là nhu yếu phẩm thiết yếu trong đời sống.

Khác với hồi tháng 3, tháng 4, khi đại dịch Covid-19 đổ bộ vào Việt Nam, tâm lý người dân rất hoang mang nên đổ xô đi mua hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu để tích trữ, đã tác động rất mạnh tới CPI. Lần này, tâm lý tích trữ hàng hóa không xảy ra, người dân cũng bình tĩnh, tin tưởng đại dịch sẽ sớm được kiềm chế. Đây là cơ sở để kiểm soát CPI dưới 4% như mục tiêu đã được Quốc hội đặt ra.

Theo bà, Covid-19 tái diễn tác động đến CPI ở khía cạnh nào?

Lần này chỉ thực hiện cách ly, giãn cách xã hội tại những khu vực xảy ra dịch bệnh, chứ không cách ly toàn xã hội như lần trước nên mọi hoạt động buôn bán, thương mại, dịch vụ vẫn diễn ra bình thường. Cùng với tâm lý vững vàng, người dân không đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, không gây áp lực lên giá cả.

Do dịch bệnh nên mặc dù đang là thời gian nghỉ hè, nhưng nhu cầu du lịch, nghỉ ngơi, giải trí giảm mạnh, kể cả ở những địa phương chưa phát hiện ra ca nhiễm mới nào, khiến chỉ số nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình; nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, đi lại giảm. Trong tháng 7, chỉ số giá của nhóm này đã giảm 0,18% và tháng 8, theo dự báo sẽ giảm sâu vì chuẩn bị bước vào năm học mới.

Nhưng không thể phủ nhận CPI bình quân trong các tháng đầu năm nay tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây?

So với cùng kỳ năm 2019, CPI tháng 1 năm nay tăng 6,43% - đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. CPI bình quân 2 tháng đầu năm mặc dù giảm xuống còn 5,91%, nhưng vẫn tiếp tục duy trì mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Và rất mừng là CPI bình quân đang trên đà giảm mạnh từ mức 5,56% trong quý I xuống 4,9% và 4,39% trong 4 tháng và 5 tháng đầu năm.

Kết thúc quý II, CPI bình quân chỉ còn tăng 4,19%, tức là chỉ đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 và sau 7 tháng, CPI bình quân chỉ còn tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào diễn biến này có thể vững tin rằng, năm nay kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đặt ra, trong khi vài tháng trước đây, Tổng cục Thống kê cho rằng, giữ được lạm phát dưới 4% trong năm nay là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Không thể phủ nhận CPI bình quân giảm dần qua từng tháng có yếu tố là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện hỗ trợ giá điện cho người tiêu dùng, nhưng kể từ tháng 8, việc hỗ trợ giá điện chấm dứt nên sẽ tác động không nhỏ tới CPI?

Do giá điện tính theo bậc thang nên người tiêu dùng càng sử dụng nhiều thì giá điện bình quân phải trả càng cao. Trong 3 tháng vừa qua là thời điểm nắng nóng nhất trong năm, khiến giá điện bình quân tăng mạnh, mặc dù mỗi hộ tiêu dùng đã được EVN hỗ trợ 68.800 đồng tiền điện, đã kéo giá điện bình quân giảm xuống, nhưng tháng 7, chỉ số giá điện bình quân vẫn tăng 2% và kéo theo chỉ số nhóm nhà ở tăng 0,47%, đã góp phần làm cho CPI tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước.

Kể từ tháng 8, EVN chấm dứt việc hỗ trợ tiền điện cho người tiêu dùng, nên chắc chắn chỉ số giá điện bình quân sẽ tăng, nhưng mức tăng không nhiều do thời tiết đã qua thời kỳ nắng nóng nhất trong năm, nhu cầu sử dụng điện, nước giảm.

Đó là lý do bà tin rằng, năm nay sẽ kiểm soát được lạm phát theo yêu cầu của Quốc hội?

Những yếu tố kể trên đã và đang hỗ trợ rất tích cực cho công tác kiểm soát lạm phát, ngoài ra còn nhiều yếu tố nữa. Đó là dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết các khu vực trên thế giới khiến nhu cầu giảm, đặc biệt là nhu cầu sử dụng xăng dầu, nên áp lực tăng giá xăng dầu giảm mạnh, qua đó giảm áp lực lên tăng CPI (từ đầu năm đến nay giá bán lẻ xăng dầu đã giảm 8 lần, tăng 5 lần và một lần giữ ổn định giá).

Việc tăng lương hưu và lương cơ sở kể từ 1/7/2020 đã tạm dừng, tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước kể từ 1/1/2021 nhiều khả năng tạm dừng, cũng giảm rất nhiều áp lực lên lạm phát. Giá thịt lợn tuy vẫn ở mức cao, nhưng không còn tăng liên tục như các tháng đầu năm do người tiêu dùng dần chuyển thói quen sử dụng thịt lợn sang các loại thực phẩm khác như thủy, hải sản.

Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng trong phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vẫn nhấn mạnh không được chủ quan, bởi vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro với các yếu tố có thể tác động lớn đến mặt bằng giá. Ban Chỉ đạo kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% và để làm được điều này, trong chỉ đạo điều hành giá lựa chọn thời điểm, mức độ, điều chỉnh đồng bộ các công cụ chính sách kiểm soát lạm phát, nhưng không thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Các chính sách kiểm soát lạm phát phải gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có thể điều hành CPI ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng
Kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý, trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư