Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đại dịch thúc đẩy dệt nên tấm vải xã hội mới thay cho chiếc áo sờn rách
Ngoài việc tập trung vào phục hồi kinh tế, chúng ta còn có cơ hội chỉnh sửa những thiệt hại với môi trường tự nhiên và khí hậu, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội.
Việc tập trung vào phục hồi kinh tế không nên làm chúng ta mù quáng trước cơ hội làm được nhiều hơn thế

Con người tàn phá mọi thứ trên con đường phát triển

Hơn 200 năm trước, Thomas Malthus dự báo: “Cứ 25 năm, dân số sẽ tăng gấp đôi và tăng lên như vậy từ thời kỳ này sang thời kỳ khác theo cấp số nhân 1, 2, 4, 8, 16, 32, 64, 128, 256. Trong khi đó, dựa vào quy luật độ màu mỡ đất đai giảm dần, của cải vật chất chỉ tăng theo cấp số cộng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9…”. Từ đó, ông dự đoán, các nguồn tài nguyên trên trái đất sẽ cạn dần, dẫn tới nạn đói hàng loạt. Tiên đoán này có tầm ảnh hưởng mạnh đến mức được đưa vào giảng dạy trong các chương trình kinh tế ở các trường đại học trên toàn thế giới.

Hóa ra, dự báo trên là sai lầm. Điều ngược lại đã xuất hiện. Malthus đã sai ở “hai tội”. Về sự gia tăng dân số, con người đã kiểm soát được tỷ lệ sinh sản. Trong 200 năm qua, tiến bộ công nghệ trong nông nghiệp dẫn đến sản lượng tăng trưởng theo cấp số nhân, chứ không phải cấp số cộng. Các đổi mới công nghệ, năng suất lao động tăng nhanh, các nguyên tắc tổ chức xã hội hiện đại đã tạo ra tiến bộ ngoạn mục chống lại đói nghèo.

Malthus đã đánh giá thấp tiềm năng thay đổi trong công nghệ, văn hóa, xã hội và ý thức con người có thể cách mạng hóa mối quan hệ giữa nền kinh tế và mức sinh sản. Dân số thế giới tăng gấp 7 lần trong hai thế kỷ sau đó, nhưng nạn đói hàng loạt đã không xảy ra. Đó là điều đáng mừng và là thành quả lớn nhất của con người.

Malthus đã sai, nhưng không ai kết án ông về những dự báo với những kiến thức cổ điển của 200 năm trước. Còn cách những người quản lý ngày nay (khi năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn thấp), lại để cho hàng triệu héc-ta đất nông nghiệp bị chuyển hoá thành đất đô thị một cách thiếu cơ sở, ngay ở những quốc gia mà nông nghiệp vẫn là lĩnh vực kinh tế chủ lực lại được gọi là công trạng.

Con người ngày càng tàn phá thiên nhiên một cách tàn khốc và nhanh chưa từng có trong lịch sử. Bản chất các luận điểm phát triển trong thế giới hiện đại ngày nay, thực ra, là một khám phá mới về cách làm thế nào con người tàn phá thiên nhiên. Con người ngày nay có khả năng tự hủy hoại bản thân một cách khó tin.

Tác hại của chi tiêu khoa trương

Câu hỏi đặt ra là: con người tàn phá mọi thứ trên con đường phát triển như thế để làm gì? Thật đáng ngạc nhiên, câu trả lời cực kỳ đơn giản. Tất cả chỉ duy nhất cho mục đích tiêu dùng. Ở hầu hết các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, tiêu dùng chiếm gần 2/3 tổng thu nhập quốc dân GDP. Chúng được đưa vào “cỗ xe tam mã” kích thích tăng trưởng. Nhưng ít ai chú ý đến tiêu dùng có thật sự dẫn đến tăng trưởng bền vững hay không.

Phần lớn các khoản chi tiêu dùng ngày nay, đáng buồn thay, không nhằm vào việc mua sắm những thứ thiết yếu của con người, như lương thực, thực phẩm và những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Thay vào đó, tích lũy vật chất ngày nay chủ yếu thỏa mãn những mong muốn phi vật chất. Đồng hồ sáng bóng được đeo không phải để nhận biết thời gian, mà để cho người khác biết về địa vị xã hội của mình. Ví không dùng để đựng tiền, giày cao gót của Christian Louboutin được mua không phải vì giúp con người đi lại dễ dàng, mà bởi chúng truyền đi thông điệp về sự “hiểu biết”.

Có một nghịch lý luẩn quẩn: càng có nhiều thứ để mua, vật chất được tạo ra càng nhiều hơn, cũng có nghĩa con người càng có động lực mua sắm tăng thêm, nhưng tiêu dùng có ích cho xã hội càng ít đi.

Về phương diện vĩ mô, tác hại của chi tiêu khoa trương còn khủng khiếp hơn. Người ta xây nhà không phải để ở mà để đầu cơ. Đầu tư vào các công trình văn hoá, lễ hội càng hoành tráng càng chứng tỏ lãnh đạo có hiểu biết về văn hoá, lịch sử. Vậy mà chúng vẫn được gọi là “đầu tư” và tính vào GDP. Các khoản chi tiêu như thế đích thị là tiêu dùng “một lần”, sẽ mất đi ngay từ chu kỳ tăng GDP đầu tiên, để rồi sau đó lụi tàn. Chính xác phải gọi đây là tiêu dùng phô trương. Nhưng các nhà quản lý ngày nay quan tâm đến tư duy nhiệm kỳ, họ không quan tâm đâu là chi tiêu đầu tư và tiêu dùng phô trương.

Sự phát triển trong thế giới hiện đại ngày nay chủ yếu được thúc đẩy bởi những nỗ lực của các cá nhân nhằm quản lý ấn tượng mà họ tạo ra với nhau. Điều này đang làm cho tiêu dùng dẫn đến nghịch lý luẩn quẩn: càng có nhiều thứ để mua, vật chất được tạo ra càng nhiều hơn, cũng có nghĩa con người càng có động lực mua sắm tăng thêm, nhưng tiêu dùng có ích cho xã hội càng ít đi. Mua sắm không có nghĩa là tiêu dùng. Trong khi đó, không ít nơi trên trái đất này vẫn có hàng triệu người đang thiếu ăn. Thật oái oăm!

Một điều đáng ngạc nhiên là, tiêu dùng phô trương có xu hướng phát triển mạnh tại các nền kinh tế đang phát triển, hơn là các nền kinh tế phát triển. Vẫn có không ít tượng đài hoành tráng (không cấp thiết và cần thiết) ở các nước nghèo, như thể là một dạng tiêu dùng phô trương tập thể. Thật lạ lùng khi các nước nghèo chi tiêu phô trương nhiều hơn nước giàu. Đáng báo động là, chúng xuất hiện ở giới trẻ, vốn là chủ nhân tương lai của đất nước. Chẳng hạn, các nghiên cứu cho thấy, giới trẻ Trung Quốc quan tâm đến việc có “những sản phẩm mới nhất và có thương hiệu tốt nhất” cao gấp ba lần so với  ở Vương quốc Anh.

Đại dịch Covid-19 có làm thay đổi nhận thức của chúng ta?

Đại dịch Covid-19 càng bộc lộ những vết nứt sâu trong hệ thống kinh tế - xã hội vốn đã hình thành và phát triển bấy lâu. Quy mô và phạm vi của các vấn đề tồn tại mà chúng ta đang phải đối mặt đã quá rõ ràng. Theo xu hướng hiện tại, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ phải tăng gấp đôi trong vòng 30 năm tới, nhưng hơn 75% diện tích đất của trái đất đang bị suy thoái đáng kể.

Ngoài ra, quá trình axit hóa và ấm lên của đại dương đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong hệ sinh thái biển, số lượng cá đang giảm sút. Một số nghiên cứu ước tính rằng, vào năm 2050, tính theo trọng lượng, sẽ có nhiều nhựa hơn cá ở biển. Tỷ lệ tuyệt chủng tăng lên từ 100 đến 1.000 lần so với kịch bản dự báo cơ sở.

Các hệ thống kinh tế của chúng ta đang làm trầm trọng thêm các thách thức xã hội, dọc theo các đường đứt gãy đã có từ trước. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra những dữ liệu thuyết phục về các xu hướng ẩn chứa cảm giác phẫn uất, bi quan và thiếu tin tưởng.

Cụ thể, thu nhập khả dụng trung bình của 10% dân số giàu nhất hiện gấp khoảng 10 lần thu nhập của 10% dân số nghèo nhất trong toàn khối OECD, tăng 7 lần so với cách đây 25 năm. Sự bất bình đẳng về tài sản thậm chí còn rõ rệt hơn, với 10% cao nhất nắm giữ một nửa tổng tài sản, trong khi 40% dưới cùng chỉ nắm giữ 3%. Bất bình đẳng đang làm rạn nứt các xã hội, làm tổn thương các nền kinh tế. Chúng cũng làm suy yếu sự tăng trưởng. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi chẳng những là hành động chính sách táo bạo, mà còn là một cách suy nghĩ mới.

Liệu đại dịch Covid-19 có làm thay đổi nhận thức của chúng ta? Các dữ liệu toàn cầu gần đây cho thấy, chi tiêu tiêu dùng kể từ khi đại dịch xuất hiện đến nay đã có sự chuyển hướng. Chi tiêu cho sức khoẻ, trang thiết bị y tế, máy tập thể dục, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng có chiều hướng tăng lên rõ rệt. Con người ngày càng nhận thức được sức khoẻ là quan trọng nhất trong các chi tiêu thiết yếu của mình.

Trong bối cảnh đó, liệu tiêu dùng khoa trương giai đoạn hậu đại dịch có thể giảm bớt? Vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Nhưng có một điều chắc chắn, các nhà hoạch định chính sách phải thay đổi suy nghĩ về mô hình tăng trưởng hiện tại. Đại dịch khiến mọi thứ đều bất định. Nhưng với các thảm họa môi trường do biến đối khí hậu và cuộc cách mạng 4.0 ngày nay, có một thứ mà chúng ta biết chắc chắn nhất, đó là “xanh hoá và số hoá”.

Việc tập trung vào phục hồi kinh tế sau những ảnh hưởng của Covid-19 không nên làm chúng ta mù quáng trước cơ hội làm được nhiều hơn thế, đó là chỉnh sửa những thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và khí hậu, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội. Tất cả để dệt nên một tấm vải xã hội mới thay thế chiếc áo sờn rách, vốn đã được chúng ta chấp nhận quá lâu như cái giá phải trả của cái gọi là nền “kinh tế thị trường”.

Tăng lực phục hồi kinh tế
Hàng loạt quyết sách quan trọng vừa được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Đây chính là những “liều thuốc tăng lực” quan trọng cho sự phục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư