Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Dại gì không làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung?
Nguyên Đức - 28/09/2013 20:33
 
 Đó là khẳng định của GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi phát biểu tại Hội thảo Phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh, tổ chức ngày hôm nay (28/9) tại Bắc Ninh. Samsung nhận giấy phép đầu tư thêm 1 tỷ USD

“Quy mô của nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đủ lớn để chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Đó là cơ hội lớn để Bắc Ninh phát triển công nghiệp hỗ trợ”, ông Mại đề xuất phương án để Bắc Ninh có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo như lời “kêu gọi” tham vấn chính sách từ ông Trần Văn Túy, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Quy mô nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên được xem là đủ lớn để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Lo nhà đầu tư nước ngoài sẽ không đến hoặc bỏ đi, Bắc Ninh đã tổ chức một hội thảo khoa học để tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tái cơ cấu kinh tế.

“Công nghiệp hỗ trợ Bắc Ninh vẫn đang ở giai đoạn đầu, mới hình thành, chủng loại ít, chủ yếu cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào tỉnh, chưa xâm nhập đáng kể được các thị trường quốc tế khác”, ông Túy thừa nhận và cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có 126 doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Một ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển sẽ khiến cho các ngành công nghiệp chính thiếu đi sức cạnh tranh, làm cho nhiều công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác phải phụ thuộc vào nhập khẩu, làm giảm hiệu quả của nhiều dự án đầu tư”, ông Túy nói và cho rằng, nếu không xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ tương ứng, đủ sức cạnh tranh quốc tế và có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, thì sẽ có những nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang các địa phương khác, quốc gia khác có nhiều lợi thế hơn.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Quốc Chung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã và đang xây dựng một kế hoạch phát triển ngành công nghiệp này, với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.

Với sự xuất hiện của Samsung, Nokia, Foxconn…, Bắc Ninh đang muốn phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô, da giày…

“Chúng tôi muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực do các doanh nghiệp FDI đầu tư để tạo ra giá trị gia tăng cao cho chuỗi cung ứng sản phẩm cho công nghiệp nội tỉnh”, ông Chung cho biết.

Tuy nhiên, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, không nên phát triển công nghiệp hỗ trợ theo kiểu từ A đến Z với tất cả các ngành, mà nên xuất phát từ vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, chọn các sản phẩm có lợi thế nhất, có tỷ trọng nhất định trong khu vực và trên toàn cầu để phát triển.

“Như tôi đã nói, Samsung là ví dụ điển hình. Tại sao không biến ngành công nghiệp hỗ trợ mà chúng ta chưa làm được thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho Samsung”, ông Mại đặt câu hỏi.

Trong khi đó, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đến lúc cần xây dựng một quan điểm và cách hiểu phù hợp về công nghiệp hỗ trợ.

“Phải coi các ngành công nghiệp hỗ trợ cấu thành nền tảng của cấu trúc công nghiệp hiện đại. Quan niệm này ngược với cách nghĩ cho rằng công nghiệp hỗ trợ chỉ đóng vai trò phụ trợ hay bổ trợ, không quan trọng nên không cần quan tâm chú ý đặc biệt”, ông Thiên nói và bày tỏ quan điểm rằng, công nghiệp hỗ trợ không đồng nghĩa với các hoạt động công nghiệp dựa trên công nghệ thấp, mà trái lại, phải là những ngành hoạt động dựa trên công nghệ và lao động kỹ năng cao.

“Có chiến lược đúng sẽ có định hướng chiến lược đúng. Có chiến lược đúng mới thiết kế các chính sách và giải pháp thực thi đúng”, ông Thiên nhấn mạnh và cho rằng, đó là tất cả những gì cần có để tạo dựng một nền tảng công nghiệp hiện đại đích thực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư