Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đại gia Thái Lan SCG đẩy thêm vốn vào lĩnh vực hóa dầu Việt Nam
Thế Hải - 04/04/2017 09:07
 
Với việc mua lại 25% phần vốn góp của nhà đầu tư Qatar Petroleum tại Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, Tập đoàn Tập đoàn SCG (Thái Lan) tiếp tục củng cố vị thế nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực hóa dầu tại Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các bên cùng tham gia trong Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã tổ chức lễ ký các văn kiện quan trọng liên quan tới Dự án lọc hóa dầu Long Sơn, bao gồm Hợp đồng liên doanh và Điều lệ công ty đồng bộ với Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa đối tác nước ngoài Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI) và Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), Thái Lan.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn và Tổng giám đốc Siam Cement Group (SCG) ký kết các văn kiện liên quan đến Dự án lọc hóa dầu Long Sơn.
Chủ tịch HĐTV PVN, Nguyễn Vũ Trường Sơn và Tổng giám đốc Siam Cement Group (SCG) ký kết các văn kiện liên quan đến Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn.

Trước đó, Công ty Vina SCG Chemicals (VSCG), một công ty con tại Việt Nam thuộc sở hữu của Tập đoàn SCG, đã ký hợp đồng mua lại cổ phần QPI Vietnam Limited (QPIV), công ty con của Qatar Petroleum để tiếp nhận toàn bộ 25% cổ phần vốn góp tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, chủ đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, theo một thông cáo báo chí được SCG đưa lên trang web của Tập đoàn.

Thương vụ trị giá 36,1 triệu đô la Mỹ này (khoảng 1.300 triệu baht),  làm tăng cổ phần trực tiếp và gián tiếp của SCG trong Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn từ 46% lên 71%. Trong khi đó, 29% cổ phần còn lại của liên doanh phát triển dự án này do PVN nắm giữ.

Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam là công trình trọng điểm dầu khí, là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm, tổng mức đầu tư ước tính 5,4 tỷ USD, áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, vận hành an toàn và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo cho ra sản phẩm hóa dầu có chất lượng cao là các loại nhựa PP, PE…

Dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại.

Dự án sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước tính khoảng 115 triệu USD/năm (khoảng 2.500 tỷ VNĐ/năm) trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.

Với việc đàm phán thành công và ký kết các văn kiện về công ty và chuyển nhượng vốn giữa các đối tác là mốc quan trọng mang tính quyết định trong việc triển khai dự án, bảo đảm đưa dự án đi vào hoạt động vào năm 2021.

Trong thời gian tới, PVN và SCG cùng với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ của các ngành, các cấp cũng như lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam được triển khai đầu tư xây dựng thành công, đúng tiến độ, đi vào vận hành sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) là một tập đoàn kinh doanh, sản xuất hàng đầu trong khu vực ASEAN với nhiều nỗ lực thiết lập năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. SCG vào thị trường Việt Nam từ năm 1992.

SCG cũng đầu tư mạnh vào Việt Nam trong các mảng kinh doanh cốt lõi gồm: vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì… Bên cạnh rót vốn đầu tư trực tiếp, trong những năm gần đây, SCG còn mở rộng đầu tư vào Việt Nam qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A).

Các công ty của SCG tại Việt Nam chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực xi măng - vật liệu xây dựng, hóa chất và bao bì. Đến cuối năm 2016 tổng tài sản của SCG tại Việt Nam là khoảng 943 triệu đô la Mỹ.

Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam: Bùng nhùng chuyện chuyển nhượng
Với quy mô vốn đầu tư có thể vào khoảng 4,5 tỷ USD, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn chưa có thêm bước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư