Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 28 tháng 01 năm 2025,
Đài Loan tiến dần tới mục tiêu trở thành “Hòn đảo AI”
Lê Tuấn - 27/01/2025 09:35
 
Việc NVIDIA cũng như nhiều tập đoàn công nghệ khác mở rộng đầu tư vào Đài Loan thời gian gần đây sẽ giúp thúc đẩy chuỗi cung ứng công nghệ tổng thể, giúp Đài Loan tiến dần tới mục tiêu trở thành “Hòn đảo AI”.

NVIDIA, nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất thế giới, đã thông báo rằng họ sẽ thành lập một trụ sở ở nước ngoài đầu tiên tại Đài Loan, có quy mô tương tự như trụ sở chính tại Thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ.

Ông Jensen Huang, nhà sáng lập và CEO của NVIDIA thậm chí mới đây còn tổ chức “bữa tiệc nghìn tỷ đô” với hàng loạt lãnh đạo cấp cao trong ngành bán dẫn Đài Loan, từ Quanta, Asus, Acer, Inventec đến Gigabyte, ASRock, MSI... 

Những tin tức này đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi. Các thành phố đang trong tầm ngắm đều đang hết sức tích cực để thu hút NVIDIA tới mở trụ sở.

Việc NVIDIA cũng như nhiều tập đoàn công nghệ khác mở rộng đầu tư vào Đài Loan gần đây được cho là sẽ giúp thúc đẩy chuỗi cung ứng công nghệ tổng thể, giúp Đài Loan tiến dần tới mục tiêu trở thành “Hòn đảo AI”.

Bữa tiệc "nghìn tỷ USD" của ông Jensen Huang, Chủ tịch NVIDA với các nhà lãnh đạo bán dẫn của Đài Loan

Thay đổi chiến lược từ “cứng” sang “mềm”

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, sự ngăn cách bởi các biện pháp phòng dịch đã khiến thị trường sản phẩm công nghệ thế giới đạt tăng trưởng ở mức hai con số. Khái niệm “họp trực tuyến” trước đó chỉ xuất hiện ở những tập đoàn đa quốc gia, công ty công nghệ lớn thì giờ đây đã phổ biến và phổ cập tới khắp mọi nơi với hàng trăm phần mềm, giải pháp công nghệ để thực hiện.

Cũng trong giai đoạn đó, chính quyền Đài Loan đã xây dựng kế hoạch táo bạo, quyết tâm trong thời gian tới biến Đài Loan trở thành “hòn đảo AI” và chiến lược cốt lõi trong kế hoạch đó là chuyển đổi từ “cứng” sang “mềm”.

Các sản phẩm chủ lực là điện tử, công nghệ, bán dẫn đã thành công trong việc đưa Đài Loan vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành một trong bốn “con rồng châu Á” ở thập niên 90 của thế kỷ trước. Cho đến nay, Đài Loan vẫn là nhà sản xuất máy tính, thiết bị mạng, điện thoại thông minh, máy chủ và các sản phẩm công nghệ khác lớn nhất thế giới.

Như vậy, có thể nói, Đài Loan đã rất thành công trong sản xuất “phần cứng”. Nhưng đại dịch Covid-19 cũng cho thấy, thế giới cần AI và AI sẽ là xu thế chủ đạo của ngành công nghệ thế giới tối thiểu trong 10 năm tới.

Do đó, tập trung nguồn lực để phát triển AI là chiến lược mà Đài Loan đưa ra, không chỉ để có đột phá trong tăng trưởng kinh tế, mà còn cố gắng khỏa lấp sự phát triển thiếu cân bằng ở ngành phần mềm trong nước như hiện nay.

Theo kế hoạch, tới năm 2026, tỷ lệ ứng dụng AI trong sản xuất tại Đài Loan sẽ đạt trên 50%, các giá trị kinh tế từ AI sẽ đạt từ 30 tỷ USD/năm trở lên và bắt đầu ứng dụng rộng rãi mạng 6G.

Thông qua đó, Đài Loan kỳ vọng có thể tạo ra nhiều giá trị cộng thêm cho các ngành công nghiệp nội địa bằng cách hợp nhất các thế mạnh sản xuất phần cứng vào lĩnh vực ứng dụng phần mềm, nhất là ứng dụng AI.

Đại bàng AI” tới xây tổ

Sự thay đổi về chiến lược thu hút cùng những chính sách tiếp cận phù hợp đã giúp cho Đài Loan thu hút được nhiều ông lớn trong ngành công nghệ AI tới lập trụ sở.

Năm 2022, Tập đoàn Google đã khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Đài Loan. Cho đến nay, Google đã mở thêm 8 văn phòng tại Đài Loan với tổng số 2.500 nhân viên.

Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Đài Loan là trung tâm đầu tiên của Google tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là trung tâm áp dụng nhiều công nghệ AI nhất của Google hiện nay.

Mới đây nhất, tháng 9/2024, CEO của NVIDIA Jensen Huang đã tuyên bố sẽ thành lập trụ sở ở nước ngoài đầu tiên của Tập đoàn tại Đài Loan. Theo công bố, trụ sở của NVIDA tại Đài Loan sẽ có quy mô tương tự như trụ sở chính tại Thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ, trước mắt sẽ tuyển 1.000 nhân sự để hoạt động.

Ngoài NVIDIA, trước đó Facebook, Amazon (thông qua công ty con là Amazon Web Service), Cisco và Microsoft đều đã công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ đô la để xây dựng trung tâm dữ liệu, cơ sở điện toán đám mây hoặc đơn vị ứng dụng AI tại Đài Loan.

"Đại bàng" bán dẫn TSMC của Đài Loan đã mang lại sự thay đổi chóng mặt cho khu vực nơi Tập đoàn xây dựng nhà máy

Rõ ràng, các đại bàng trong việc ứng dụng AI hiện nay trên thế giới đang cấp tập tới Đài Loan như một sự lựa chọn hàng đầu tại khu vực. Việc các “đại bàng AI” đến Đài Loan không chỉ là việc có thể đáp ứng mọi thiết bị liên quan đến AI của những công ty tại Đài Loan, mà còn đem tới khoản giá trị 5-6% giá trị toàn cầu của AI (Ngành AI toàn cầu dự báo sẽ đạt 1.300 tỷ USD vào năm 2032 - PV) cho kinh tế Đài Loan.

Cuộc chạy đua để thu hút các đại bàng AI tại Đài Loan

Ngay sau khi CEO của NVIDIA Jensen Huang công bố sẽ thành lập trụ sở tại nước ngoài ở Đài Loan, đã có một cuộc chạy đua nho nhỏ giữa các thành phố tại Đài Loan để thu hút tập đoàn công nghệ khổng lồ này lập trụ sở.

Theo các nhà phân tích, thành phố Đài Bắc hiện có ưu thế nhiều hơn cả, khi chi nhánh NVIDIA đã ở đây từ lâu, chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và hệ thống giao thông hiện đại. Tuy vậy, điểm nghẽn duy nhất của Đài Bắc là quỹ đất hiện khan hiếm, việc điều chỉnh quy hoạch để cấp riêng cho NVIDIA thuê đất (diện tích được đồn đoán là 3 ha) gặp nhiều khó khăn.

Ngay lập tức, chính quyền thành phố Tân Bắc và thành phố Đào Viên - những nơi cạnh thành phố Đài Bắc - đều có những động thái tích cực. Họ liên lạc với đại diện của NVIDIA để đề xuất vị trí phù hợp kèm theo một số gói ưu đãi được đánh giá là “hấp dẫn không kém gì Đài Bắc”.

Việc các thành phố của Đài Loan rất tích cực chạy đua thu hút NVIDIA đến xây dựng trụ sở, ngoài việc thúc đẩy hình ảnh của địa phương, còn có thể có được nguồn lợi không nhỏ từ nguồn thuế của NVIDIA đem tới. Chưa kể, hàng ngàn nhân sự cấp cao khắp thế giới sẽ tới làm việc, kéo theo sự thúc đẩy các ngành dịch vụ, ẩm thực, bất động sản, mua sắm…của thành phố.

Về những lợi ích này, chính quyền các thành phố Đài Nam, Đài Trung, Tân Trúc và mới đây nhất là Cao Hùng là rõ hơn cả khi đón nhận sự thay đổi “chóng mặt” khi Tập đoàn TSMC xây dựng các tổ hợp sản xuất tại đây trong 10 năm qua.

Tại các thành phố này, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn nhân sự của TSMC với khoản thu nhập hậu hĩnh đã không ngần ngại xuống tiền mua nhà khiến cho giá bất động sản khu vực xung quanh đó liên tục phi mã.

Ngoài ra, các dịch vụ cung cấp cho dân cư khu vực này cũng là những loại hình dịch vụ cao cấp, nhắm tới những khách hàng “triệu phú đô la” trẻ là nhân viên của các nhà máy TSMC.

Thế giới vẫn đang trong giai đoạn đầu của thế kỷ công nghệ mà dẫn dắt là lĩnh vực AI, và khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ là cực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới trong những năm tới, những thập kỷ tới.

Với việc hàng loạt “đại bàng công nghệ” đang cấp tập triển khai dự án liên quan đến AI, Đài Loan đang gần hơn hết mục tiêu trở thành “Hòn đảo AI”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư