Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 18 tháng 11 năm 2024,
Đạm Phú Mỹ tiến tới “nhà máy thông minh”
Như Loan - 18/11/2024 14:13
 
Ban lãnh đạo Đạm Phú Mỹ kỳ vọng quá trình chuyển đổi số sẽ giúp nhà máy đạt được những bước tiến đột phá trong công tác vận hành, góp phần nâng cao uy tín của PVFCCo trên thị trường quốc tế và trong lĩnh vực hóa chất, phân bón.

Nhờ ứng dụng số hóa mà hiện nay, Ban lãnh đạo Nhà máy Đạm Phú Mỹ có thể giám sát và xử lý công việc từ xa một cách hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Nhung, Phó giám đốc Sản xuất, phụ trách Khoa học Công nghệ và Chuyển đổi số cho biết, giờ đây, dù ở bất kỳ đâu, ban lãnh đạo đều có thể theo dõi, giám sát quá trình vận hành nhà máy qua ứng dụng điện thoại. Mọi dữ liệu và lịch sử vận hành đều hiển thị trên ứng dụng, giúp cấp lãnh đạo có thể nhanh chóng đưa ra các quyết định xử lý.

Nhờ vào ứng dụng PMIS do chính đội ngũ kỹ thuật của nhà máy phát triển, lãnh đạo có thể giám sát các chỉ số vận hành theo thời gian thực (real-time) cũng như trích xuất thông tin lịch sử. Đây là minh chứng rõ ràng cho thành quả chuyển đổi số tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong năm 2024.

Hội thảo về chuyển đổi số tại nhà máy.

Chuyển đổi số từ những ngày đầu thành lập

Nhà máy Đạm Phú Mỹ bắt đầu áp dụng công nghệ số ngay từ khi thành lập. Theo anh Nhung, quá trình chuyển đổi số tại nhà máy bao gồm nhiều khía cạnh như điều khiển tự động, tối ưu hóa thiết bị và quy trình sản xuất.

Mặc dù các quy trình tự động đã được áp dụng từ lâu, nhưng nhu cầu chuyển đổi số thực sự trở nên cấp bách từ năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện và công nghệ số phát triển mạnh mẽ toàn cầu. Hiện tại, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang tiến hành nâng cấp, bổ sung hệ thống kỹ thuật và phần mềm theo lộ trình chuyển đổi số của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), giúp các quy trình đáp ứng tốt hơn các nhu cầu công việc hiện tại.

Đại diện Tổ chuyển đổi số của nhà máy chia sẻ thêm rằng, các phần mềm theo dõi và phân tích dữ liệu không chỉ hỗ trợ việc bảo trì kịp thời trước khi xảy ra sự cố mà còn giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động của nhà máy. Các giải pháp số này cũng có khả năng tích hợp với hệ thống cũ, giúp tận dụng tối đa tài sản hiện có, nâng cao hiệu quả và cải thiện quy trình làm việc. Đặc biệt, ứng dụng số hóa giúp giảm thời gian xử lý văn bản, tăng cường mức độ hài lòng của khách hàng trong các khâu giao nhận sản phẩm.

Những hoạt động chính trong “Ngày làm việc số” của nhà máy.

Những thách thức trong quá trình chuyển đổi số

Để đạt được kết quả tích cực, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã trải qua nhiều khó khăn. Ngoài chi phí đầu tư lớn, nhà máy phải đối mặt với các thách thức về kỹ thuật như tích hợp công nghệ mới với hệ thống hiện có. Một số nhân viên vẫn còn lo ngại về khả năng đáp ứng công việc khi ứng dụng số ngày càng phát triển, do hạn chế về kỹ năng số và tâm lý ngại thay đổi.

Tuy nhiên, nhờ có sự ủng hộ của lãnh đạo PVFCCo và sự hỗ trợ từ Ban chuyển đổi số Tổng công ty, cùng đội ngũ CBCNV tiên phong nhiệt huyết, nhà máy đã từng bước vượt qua các trở ngại này. Ban lãnh đạo cũng chú trọng đào tạo kỹ năng cho nhân viên từ rất sớm, nhằm giúp họ làm quen và sử dụng thành thạo các ứng dụng số trong công việc.

Đồng thời, công tác tuyên truyền nội bộ cũng được triển khai tích cực để khuyến khích sự đồng lòng của nhân viên, góp phần tạo nên sự đồng thuận lớn trong toàn bộ nhà máy.

Hướng tới nhà máy thông minh và mục tiêu tương lai

Theo anh Nhung, “nhà máy thông minh” là một nhà máy áp dụng công nghệ số hóa và tự động hóa trong các công đoạn sản xuất, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) để phân tích dữ liệu và dự báo, tối ưu hóa quy trình sản xuất. Những tiến bộ này cho phép nhà máy cải thiện hiệu suất sản xuất và dự đoán chính xác các nhu cầu bảo trì và vận hành.

Đạm Phú Mỹ đã đặt ra các mục tiêu cụ thể nhằm phát triển nhà máy thông minh. Nhà máy sẽ đầu tư vào hệ thống thu thập và lưu trữ dữ liệu, phát triển phần mềm quản lý an toàn và ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, nhà máy cũng sẽ tiếp tục phát triển hệ thống tự động hóa để tăng năng suất và giảm chi phí lao động. Một phần trong kế hoạch này là đào tạo liên tục cho nhân viên để họ có thể thích nghi với công nghệ mới và phát triển kỹ năng kỹ thuật số.

Tác động của chuyển đổi số đối với Đạm Phú Mỹ

Chuyển đổi số không chỉ giúp nhà máy tối ưu hóa quy trình vận hành mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của PVFCCo. Các phần mềm hiện có tại nhà máy là bằng chứng rõ ràng cho sự tiến bộ của công tác chuyển đổi số, mang lại hiệu quả trong công việc và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên. Ban lãnh đạo nhà máy kỳ vọng quá trình chuyển đổi số sẽ giúp Đạm Phú Mỹ đạt được những bước tiến đột phá trong công tác vận hành, góp phần nâng cao uy tín của PVFCCo trên thị trường quốc tế và trong lĩnh vực hóa chất và phân bón.

Với lộ trình đã đề ra và những thành tựu đạt được, Nhà máy Đạm Phú Mỹ tiếp tục đóng góp vào chiến lược chuyển đổi số của PVFCCo, tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp nông nghiệp và hóa chất hàng đầu, đạt chuẩn mực quốc tế và phát triển bền vững.

Mua đạm Phú Mỹ được tặng quà tổng trị giá gần 30 tỷ đồng
Chương trình “Đạm Phú Mỹ - Đồng hành sẻ chia” tặng 1 chai dầu ăn 250 ml cho mỗi bao ure 50 kg, nhằm hỗ trợ bà con nông dân nhân dịp vụ Hè Thu và mùa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư