Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Danh mục đầu tư chứng khoán năm 2024: Tấn công mạnh, phòng thủ chắc
Hằng Phan - 19/02/2024 08:52
 
Triển vọng lợi nhuận hồi phục sẽ là động lực cho giá cổ phiếu trong năm 2024, nhưng điều này không diễn ra trên diện rộng, mà tập trung ở các ngành có câu chuyện thực sự.

Kỳ vọng từ chuyện nâng hạng thị trường

Không giống như năm 2023, năm 2024 bắt đầu với lộ trình phục hồi kinh tế rõ ràng hơn. Ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng, điều này giúp đưa phần lớn các ngành về phía góc phần tư thứ 2 (tăng trưởng cao và định giá hấp dẫn) trong ma trận lợi nhuận - định giá năm 2024, so với sự phân tán trong năm 2023.

Theo ông Hoàng Huy, trong các động lực chính của thị trường chứng khoán (thanh khoản dồi dào hơn, lãi suất giảm và lợi nhuận tăng trưởng), năm 2024, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp tăng 19,8% so với năm 2023 nhờ các ngành bán lẻ, thép, IT và ngân hàng dẫn dắt. Thanh khoản thị trường có khả năng duy trì tốt nhờ việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và việc FTSE (một tổ chức lớn về xếp hạng thị trường chứng khoán) nâng hạng thị trường Việt Nam trở thành thị trường mới nổi sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tăng giá đáng kể.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xu hướng tăng của thị trường chứng khoán năm 2024 là bền vững, dù còn nhiều yếu tố biến động, thách thức, dự báo từ quý II trở đi sẽ ổn định hơn. Nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn khi các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp tích cực hơn so với năm 2023. Môi trường lãi suất thấp và kinh tế hồi phục là yếu tố để thúc đẩy dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán.

Ông Minh đặc biệt chú ý đến dòng vốn khối ngoại và kỳ vọng khối này sẽ giao dịch nhiều hơn trong năm 2024 nhờ thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều câu chuyện thu hút, nhất là câu chuyện nâng hạng thị trường. Những dòng vốn có tính đầu cơ như P-notes, hay các quỹ đầu cơ chuyên đánh các “game nâng hạng” có thể quay lại trong năm 2024. Ngoài ra, việc sớm triển khai quy định về pre-funding (ký quỹ trước giao dịch) cũng sẽ là yếu tố thu hút dòng vốn ngoại.

Năm 2024, đa phần các tổ chức, trong đó có các quỹ đầu tư, nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ vào giai đoạn phục hồi mạnh, qua đó thị trường chứng khoán được kỳ vọng hưởng lợi, có bứt phá tốt.

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam (đơn vị chuyên đào tạo và tư vấn tài chính, chứng khoán), các nhà đầu tư tổ chức có thiên hướng tìm kiếm các câu chuyện tăng trưởng mạnh, việc bán vốn của các doanh nghiệp. Điều này khác nhiều so với năm 2023 là thiên về phòng thủ khi kinh tế thế giới biến động khó lường.

Nhóm ngành triển vọng

Trong bối cảnh nhiều biến động, AzFin đầu tư khá đa dạng các ngành và sẽ ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu thuộc doanh nghiệp đầu ngành, có triển vọng kinh doanh tốt năm 2024-2025 (thường là các doanh nghiệp có tài chính mạnh, mở rộng được thị phần, qua đó sẽ có bước nhảy tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất khi kinh tế phục hồi), như ngân hàng, bán lẻ, sản xuất và hàng tiêu dùng.

Theo ông Đặng Trần Phục, danh mục đầu tư cần có cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức tiền cao, mang lại dòng tiền ổn định cho nhà đầu tư bất kể thị trường có diễn ra không như kỳ vọng và đó là yếu tố phòng thủ mạnh nhất. Danh mục cũng cần có tính chất tấn công mạnh để tận dụng cơ hội nếu nền kinh tế và thị trường chứng khoán thuận lợi.

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, nhóm ngành có thể xem xét đầu tư trong năm 2024 là bất động sản khu công nghiệp, với kỳ vọng làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài mới. Theo quan sát lịch sử, mỗi khi có làn sóng vốn đầu tư nước ngoài mới, thì mức tăng trưởng cả về vốn đăng ký, giải ngân kéo dài trong 3 năm và kỳ vọng chu kỳ này sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2023-2025.

Nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư kỳ vọng vào các giải pháp thúc đẩy thanh khoản của Chính phủ, nhu cầu có thể cải thiện khi tính pháp lý được tháo gỡ và quá trình bàn giao được thúc đẩy, môi trường lãi suất thấp thúc đẩy dòng vốn tìm kiếm đến kênh bất động sản. Khi bất động sản hồi phục, cổ phiếu thép cũng sẽ có triển vọng tích cực.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chú ý tới diễn biến triển khai các dự án mỏ khí mới trong bối cảnh giá dầu vẫn neo ở mức cao khi nhu cầu hồi phục cùng với căng thẳng địa chính trị - sẽ có lợi cho nhóm dầu khí; hay nhóm công nghệ, Internet với việc đẩy mạnh triển khai hệ thống mạng 5G, cùng với việc thúc đẩy thu hút làn sóng đầu tư vào chip bán dẫn và AI; nhu cầu điện gia tăng trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng điện Bắc - Nam và triển khai Quy hoạch Điện VIII.

Ông Minh cũng cho rằng, ngân hàng là nhóm đã tăng khá tốt từ đầu năm 2024 tới nay. Lợi thế chủ yếu đến từ các ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao trong năm 2024. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn của nhóm ngân hàng quốc doanh cũng là yếu tố thúc đẩy nhóm ngân hàng.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán kỳ vọng mức thanh khoản trung bình năm 2024 có thể đạt 19.000 tỷ đồng/phiên, việc nâng hạng thị trường được chấp thuận vào tháng 9/2024. Những công ty chứng khoán có thế mạnh trong mảng ngân hàng đầu tư (IB) và có thị phần lớn ở nhóm khách hàng tổ chức sẽ được hưởng lợi trước tiên.

Năm 2024, có 2 kịch bản được Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank xây dựng, bao gồm VN-Index trong 12 tháng là 1.250 điểm (tăng 11% trong trường hợp không nâng hạng thị trường) và 1.420 điểm (tăng 26% trong trường hợp quá trình nâng hạng cụ thể hơn vào cuối năm 2024). Trong cả hai trường hợp, dự báo thị trường có biến động đáng kể trong nửa đầu năm 2024 do những quan điểm khác nhau về tốc độ hồi phục và rủi ro từ các ngành ngân hàng và bất động sản. Thị trường dự kiến tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 nhờ niềm tin sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn.
Nhà đầu tư chứng khoán nên chọn cổ phiếu nào để "hợp mệnh" năm Giáp Thìn?
Công ty Chứng khoán BSC gợi ý nhà đầu tư mệnh Kim chọn cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững vàng, mệnh Thổ chọn những cổ phiếu mang tính "tấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư