Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đạo đức báo chí trong “cơn lũ” mạng xã hội
Mạnh Bôn - 21/06/2017 08:00
 
Đạo đức báo chí là đề tài được đề cập khá nhiều trong mấy năm gần đây, đặc biệt kể từ khi mạng xã hội bùng nổ. Làm gì để giữ gìn đạo đức nghề nghiệp là câu chuyện được Báo Đầu tư đặt ra với TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, mạng xã hội tác động tiêu cực tới đạo đức của những người làm báo. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Đối với mạng xã hội, chỉ tính riêng Facebook, hiện Việt Nam có hơn 40 triệu người sử dụng. Điều này cho thấy, người dân có xu hướng tiếp cận thông tin “thượng vàng hạ cám” và đưa tất cả thông tin mà họ có được, nghe được, xem được lên Facebook theo kiểu “mình thích thì mình làm thôi”, không cần biết thông tin đó đúng sai thế nào, ảnh hưởng tới ai, có vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục không.

.
TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Bản thân các cơ quan báo chí đã phải cạnh tranh với nhau, các loại hình báo chí cạnh tranh với nhau đã rất gay gắt, giờ phải cạnh tranh với mạng xã hội, nên một bộ phận phóng viên vì áp lực thông tin, đã bỏ qua đạo đức nghề nghiệp.

Có thể nói rằng, mạng xã hội chỉ tác động tiêu cực tới những nhà báo kém bản lĩnh, kém chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của họ đã có vấn đề, mạng xã hội không có lỗi trong việc này. Tương tự, đạo đức của một bộ phận dân chúng xuống cấp không thể đổ tội cho cơ chế thị trường, cho hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực, đổ tội cho việc người dân được tiếp cận tự do với văn hoá, phim ảnh, âm nhạc… nước ngoài.

Trong “thế giới phẳng”, áp lực tìm kiếm thông tin với báo chí rất khốc liệt vì phải cạnh tranh với mạng xã hội. Vấn đề là không thể bỏ mạng xã hội, mà phải sống chung, cùng tồn tại, thưa ông?

Mạng xã hội có lợi thế vượt trội mà báo chí không bao giờ có. Đó là có thể đăng tải thông tin, video clip ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ và ai cũng có thể trở thành “phóng viên”, “biên tập viên”, “bình luận viên”, “tổng biên tập”. Còn báo chí, ngoài tin bài, hình ảnh cũng phải kiểm duyệt trước khi đăng, nên có độ trễ nhất định. Do đó, không thể tiếp cận ngay sự việc lúc đang diễn ra, trừ một số rất hiếm hoi sự việc diễn ra vô tình có sự chứng kiến của phóng viên hay cộng tác viên của cơ quan báo chí nào đó. Có thể nói, rất nhiều thông tin trên mạng xã hội là nguồn tin vô giá đối với báo chí.

Thông tin trên mạng xã hội cũng mạnh mẽ như lũ. Vấn đề là phải sống chung với “lũ thông tin” trên mạng xã hội; tìm kiếm, sử dụng những điểm mạnh của thông tin mạng. Trên thế giới và ở cả Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí đã biết sử dụng những thông tin rất đắt, thậm chí có thể nói là vô giá trên mạng như một nguồn tin. Vấn đề là sử dụng nguồn tin đó thế nào để không vi phạm đạo đức của người làm báo.

Giữ đạo đức thế nào khi mà giữa các cơ quan báo chí có sự cạnh tranh gay gắt, nếu không muốn nói là khốc liệt, cơ quan nào cũng muốn đưa tin thật nhanh?

Như tôi nói, mạng xã hội có nhiều điểm mạnh, nhưng có hạn chế vô cùng lớn, đó là bất cứ ai sử dụng smartphone, có tài khoản là có thể đăng tải “vô thiên lủng” bất cứ thông tin gì mình thích, trong đó lượng thông tin bịa đặt, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, thông tin đưa lên không cần biết đúng sai, vô cùng lớn.

Trước sức ép cạnh tranh, khi có một sự việc xảy ra được mạng xã hội đăng tải, không ít phóng viên sử dụng tin trên mạng coi như tin của mình; sử dụng các tin trên mạng sau đó xào xáo, chế biến thành bài của mình; xem clip trên mạng rồi tường thuật lại như đang có mặt ở hiện trường, dựa vào thông trên mạng rồi “thêm mắm, thêm muối” để viết bài, thậm chí viết hàng loạt bài…

Đây là các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức báo chí. Chỉ có phóng viên bản lĩnh kém, đạo đức nghề nghiệp không được trau dồi, chạy theo tiền bạc mới bị cuốn vào. Chỉ có tổng biên tập kém bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp mới cho phép, thậm chí mở đường cho phóng viên làm việc này.

Một sự việc xảy ra liệu có nhất thiết cơ quan báo chí nào cũng đăng tải, khai thác, trong khi sự việc đó không liên quan gì tới tôn chỉ, mục đích của tờ báo và độc giả đọc tờ báo đó họ cần thông tin khác, chứ không phải thông tin mà báo nào cũng đăng. Nếu nói cạnh tranh nên phải đưa tin thật nhanh, thật hot, thông tin giật gân, thông tin vi phạm đời tư của người khác, đặc biệt là giới showbiz, chính khách, doanh nhân… không chỉ là nguỵ biện, mà còn vi phạm Luật Báo chí và vi hiến.

Nếu là một tổng biên tập, khi cả xã hội đang “sôi sùng sục” trước nhiều vụ việc nổi cộm về môi trường hay đạo đức kinh doanh, chẳng lẽ ông lại đứng ngoài cuộc?

Thông tin thực ra là hàng hoá, mà đã là hàng hoá thì phải bán được. Tại sao anh không bán cho khách hàng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ độc đáo có giá trị gia tăng cao, mà thấy người ta sản xuất hàng gì anh cũng sản xuất hàng đó theo kiểu trào lưu, bầy đàn. Tôi cho rằng, chỉ có nhà sản xuất, nhà đầu tư kém mới sản xuất, đầu tư theo bầy đàn, làm theo hiệu ứng đám đông.

Nhiều lần đi công tác nước ngoài, tôi thấy, khi có sự kiện rất lớn diễn ra ở đất nước họ, có tờ báo đăng trang một, có tờ đăng trang trong, có tờ có cả bình luận, phân tích, tường thuật, phỏng vấn, nhưng nhiều tờ chỉ đăng một mẩu tin nhỏ ở vị trí khiêm tốn. Nói chung, báo chí của họ phục vụ độc giả, khách hàng của mình, chứ không chạy theo phong trào.

Tiếp sức cho báo chí và doanh nghiệp
Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, giới báo chí đón nhận một tin vui: kể từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư